Thời gian trước, ông Việt (55 tuổi, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) luôn tự hào vì nhà có hai cô con gái xinh đẹp, sau này sẽ nở mày nở mặt với họ hàng, làng trên xóm dưới. Hơn hai năm nay, ông lúc nào cũng buồn, hối hận vì việc làm nhạy cảm của mình đã khiến hạnh phúc của con tan vỡ, đó là nói phía nhà thông gia tặng gấp đôi vàng cưới so với dự định ban đầu của họ. Nhìn con gái út là chị Linh (26 tuổi), vất vả nuôi con một mình, ông chỉ mong thời gian quay lại để con có cuộc sống tốt hơn.
Năm 2014, chị Linh và anh Sơn được bố mẹ hai bên tổ chức lễ cưới sau hơn một năm tìm hiểu. Trước lúc cưới, hai gia đình thống nhất nhà trai sẽ cho con dâu 12 chỉ vàng làm sính lễ. Hôm tổ chức tiệc, ông Việt và vợ muốn khách đến dự khen con gái lấy được nhà chồng giàu sang nên đã nói bên thông gia cho gấp đôi, tức 24 chỉ vàng. Họ hứa đó chỉ là hình thức, đám cưới xong sẽ nói con gái đưa lại cho bố mẹ chồng.
Chiều lòng nhà gái, bố mẹ anh Sơn đồng ý. Họ vay thêm tiền đi mua vàng mang sang. Được nhiều người khen, vợ chồng ông Việt mừng ra mặt.
Về làm dâu, chị Linh phải đưa hết quà cưới cho mẹ chồng giữ. Chị muốn lấy phần của mình làm vốn làm ăn nhưng không được chấp nhận. Mẹ anh Sơn cho rằng, đó là vàng của bà, bên thông gia đã nói, cưới xong sẽ giao lại. Cũng vì thế, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu chẳng thể hóa giải.
“Tôi phải đi vay nợ mua vàng trao tượng trưng cho nó, giờ phải giữ để trả nợ. Nó lấy con tôi hay lấy vàng của tôi”, mẹ anh Sơn nói, đồng thời thể hiện sự ghét bỏ, khinh thường con dâu ra mặt.
Phải sống trong cảnh bị mắng chửi, đánh đập, phải nhờ đến chính quyền địa phương can thiệp, chị Linh vẫn cam chịu để con có cha mẹ. Thế nhưng chị chẳng được yên. Hơn một năm làm dâu, chị bị đuổi đi, không cho mang con trai theo.
“Nhìn con bé mang đống quần áo, mặt thất thần về nhà, thương lắm. Con bé đâu có tội tình chi mà họ đối xử tệ quá”, ông Việt nói. Vợ chồng ông quyết định sang nhà thông gia nói chuyện, với mong muốn ông bà sui nghĩ đến hạnh phúc các con đừng để bụng những chuyện không đáng, nhưng làm mối quan hệ của hai bên trở nên căng thẳng hơn.
Không được gặp con khi bầu sữa còn căng tức, chị Linh quyết định ra tòa ly hôn, giành quyền nuôi con và yêu cầu bố mẹ chồng trả vàng cưới. “Số vàng trao tượng trưng cứ giữ lấy, còn số hai gia đình thống nhất thì trả cho tôi”, chị Linh nói.
Anh Sơn và gia đình mình cho rằng, toàn bộ số vàng chị Linh đã lấy đi bán cho bạn vay rồi mua trang sức đeo, vì thế chẳng còn nữa nhưng không có bằng chứng. TAND huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) chấp nhận đơn của chị Linh, yêu cầu anh Sơn phải giao con cho vợ, còn bố mẹ anh phải trả lại số tài sản đang giữ cho con dâu.
Hơn một năm nay, chị Linh một mình nuôi con, không cần chồng cũ cấp dưỡng. Dù cuộc sống của hai mẹ con vất vả, nhưng người mẹ ấy thấy vui khi được ba mẹ hỗ trợ. Nhìn cháu ngoại phải sống trong cảnh, nay ở với mẹ, mai ở bên cha, ông Việt chỉ biết rưng rưng nước mắt vì thương.
Giáo sư Vũ Gia Hiền, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Du lịch cho biết, dù tục thách cưới đã được xóa bỏ từ năm 1945, nhưng hiện nay, nhiều nơi, nhất là tại các tỉnh miền tây Nam bộ vẫn tồn tại. Nhiều ông bố bà mẹ khi con gái đi lấy chồng, nghĩ mình đã mất bao nhiêu năm nuôi dạy nên yêu cầu nhà trai phải mang sính lễ sang mua về. Sính lễ càng nhiều họ càng được hàng xóm, bạn bè khen, được nở mặt với thiên hạ. Họ không biết rằng, để có tiền cho con trai mang sính lễ qua nhà vợ, nhiều người phải làm việc cật lực, góp nhặt từng đồng, thậm chí đi vay. Đám cưới xong, nhà trai nghĩ con dâu là mình mua về thì phải làm gì đó cho bõ tức. Đây là sai lầm rất lớn của bố mẹ, mà hậu quả là các con phải gánh chịu.
Bàn về câu chuyện của ông Việt và gia đình thông gia, giáo sư Hiền cho rằng, cả hai bên đều sai. Cái sai đầu tiên của ông Việt khi đòi tăng vàng cưới chỉ để khoe với hàng xóm. Cái sai của bố mẹ anh Sơn là không bỏ qua được những suy nghĩ ác cảm của mình. Họ đã vô tình đẩy cuộc sống hôn nhân của các con đi vào bế tắc.
Phan Thân