"Tôi kêu gọi lập tức trả tự do cho Tổng thống Mohamed Bazoum cùng gia đình, và bảo toàn nền dân chủ mà Niger khó khăn mới có được", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ngày 3/8, nhân quốc khánh Niger.
Theo ông Biden, người dân Niger có quyền chọn lãnh đạo cho họ. "Họ đã bày tỏ mong muốn của mình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Điều đó phải được tôn trọng", ông nói. "Trong thời điểm quan trọng này, Mỹ sát cánh cùng người dân Niger để tôn vinh mối quan hệ đối tác kéo dài hàng thập kỷ của chúng ta, bắt nguồn từ các giá trị dân chủ chung và sự ủng hộ đối với chính quyền dân sự".
Ông Bazoum, 63 tuổi, đắc cử và nhậm chức hồi tháng 4/2021, kế nhiệm ông Mahamadou Issoufou. Đây là lần chuyển tiếp quyền lực trong hòa bình đầu tiên của Niger, quốc gia từng xảy ra 4 lần đảo chính quân sự kể từ khi độc lập năm 1960.
Lực lượng cận vệ tổng thống Niger ngày 26/7 đã bắt và quản thúc ông Bazoum tại dinh thự. Chỉ huy lực lượng cận vệ Abdourahamane Tiani được chọn làm tân lãnh đạo chính quyền quân sự thay ông Bazoum.
Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ngày 30/7 yêu cầu Niger khôi phục quyền lực cho ông Bazoum trong vòng một tuần. Quá hạn chót này, ECOWAS sẽ dùng "mọi biện pháp", bao gồm cả vũ lực, để khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger. ECOWAS cũng đã áp lệnh trừng phạt với quốc gia thành viên.
ECOWAS gồm 15 nước Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo. Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau đảo chính. Hai nước tuyên bố họ sẽ tuyên chiến nếu Niger bị can thiệp quân sự.
Tư lệnh quân sự các nước ECOWAS họp tại thủ đô của Nigeria trong hai ngày 2-3/8 để thảo luận về tình hình Niger. Nhóm cam kết sẽ đưa ra thông điệp mạnh mẽ để lên án "sự chiếm đoạt quyền lực vi hiến" tại Niamey.
Trong khi đó, lãnh đạo chính quyền quân sự Niger ngày 2/8 phản đối các lệnh trừng phạt quốc tế và tuyên bố sẽ không khuất phục trước những mối đe dọa.
Các nước châu Âu như Pháp, Đức, Italy đã bắt đầu sơ tán công dân khỏi Niger. Anh, Mỹ thông báo rút một phần nhân viên khỏi đại sứ quán ở Niamey.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)