Năm tháng kể từ ngày ra đời phiên bản Micro Four Thirds đầu tiên, E-P1, Olympus tung ra bản E-P2 với một vài cải tiến nhỏ và được cho là bản lý ra phải thay thế E-P1 trong lần ra mắt đầu tiên.
Olympus E-P2. Ảnh: Cnet. |
Một trong những cải tiến mới có thể thấy ngay là khung ngắm điện tử rời mới EVF độ phân giải cao tương tự như EVF trên Panasonic Lumix DMC-GH1. Khung ngắm VF-2 EVF này nối với máy bằng một khe cắm nhỏ ngay phía dưới chấu đèn, có độ phân giải 1,44 triệu điểm ảnh, vượt hẳn so với khung ngắm trên GH1 chỉ 0,23 triệu điểm.
Dù chung một liên minh phát triển định dạng Micro Four Thirds, lại chung kiểu thiết kế EVF rời, nhưng điều lạ là các EVF của hai hãng này dường như được cố tình thiết kế với chấu kết nối không giống nhau, vì thế không tận dụng tài nguyên của nhau được.
Khung EVF mới này có chất lượng khá tốt, khung ngắm rộng, độ làm tươi rất nhanh dù độ chỉnh xác màu chưa thật hoàn hảo, có xu hướng cho tông màu ấm hơn so với màn LCD của máy.
Một điểm đáng chú ý là mặc dù khung ngắm vốn được giới chụp ảnh dùng khi cần phải tiết kiệm pin, nhưng trong quá trình thử nghiệm, dùng khung ngắm VF-2 lại tiêu tốn năng lượng hơn là dùng màn LCD sau máy. Khi khung ngắm được nối, thời lượng pin chỉ đủ chụp 180 kiểu so với 270 kiểu nếu chụp bằng LCD.
Hai kính lọc hiệu ứng nghệ thuật mới được Olympus đưa vào E-P2 là Diorama và Cross Process. Hiệu ứng Diorama giả lập khung hình như thể được chụp bằng ống kính tilt-shift bằng việc chỉ lấy nét vào một vùng nhỏ, còn xóa mờ toàn bộ, còn hiệu ứng Cross Process giả lập quá trình tráo đổi màu sắc như thể một phim dương bản được rửa nhưng với các hóa chất khác, dẫn tới màu sắc bị biến đổi khác lạ. Hai ảnh dưới là ví dụ về hai bộ lọc mới trên phiên bản E-P2.
Ảnh với hiệu ứng Diorama Art Filter. Chú ý tỷ lệ người ở phía trước và phía sau. Tác giả: Leonard Goh/CNET Asia. |
Ảnh với hiệu ứng Cross Process Art Filter với màu sắc bị lệch. Ảnh: Leonard Goh/CNET Asia. |
Không chỉ cho ảnh, các hiệu ứng này còn có thể áp dụng khi quay video. Tuy nhiên, khi áp dụng hiệu ứng Diorama, tốc độ khung hình giảm đáng kể, tạo cảnh phim như bị quay chậm, âm thanh bị loại bỏ, trong khi đó nếu quay bằng hiệu ứng Cross Process, hình ảnh có mượt mà hơn và âm thanh vẫn được duy trì.
Xem video quay bằng E-P2 với hiệu ứng Cross Process. |
Ngoài hai hiệu ứng mới, E-P2 còn có thêm tính năng tăng cường i-Enhance trong chế độ tự động thông minh i-Auto. Tính năng này từ động điều chỉnh màu sắc theo quang cảnh để cho ra hình ảnh có màu hợp lý nhất, trong khi i-Auto phân tích hình ảnh để tìm các thông số phơi sáng tối ưu. Trong các thử nghiệm, tính năng mới này kết hợp khá hoàn hảo, tông màu phong phú, hợp cho những người thích rực rỡ.
Màu sắc được chụp với chế độ i-Enhance trông rực rỡ hơn. Tác giả: Leonard Goh/CNET Asia. |
Màu trông nhạt hơn ở chế độ Program. Ảnh: Leonard Goh/CNET Asia. |
Ngoài hai tính năng được bổ sung thêm, E-P2 còn được cải thiện chế độ bám nét vốn thiếu vắng trên phiên bản đầu E-P1. Tính năng này hoạt động hiệu quả nhưng lại có xu hướng kéo chậm tốc độ lại so với đối thủ GH1. Khi đối tượng chuyển động trong khung hình, quá trình bám dính điểm nét vẫn còn chậm chạp và chưa đủ chính xác.
Mặc dù Olympus một mực khẳng định việc ra mắt E-P2 không nhằm hạ bệ phiên bản E-P1 trước đó của chính hãng, nhưng việc ra mắt quá sớm sau phiên bản đầu đã khiến không ít người ủng hộ định dạng Micro Four Thirds cảm thấy thất vọng khi đã trót sở hữu E-P1. Thêm vào đó, phiên bản E-P2 còn có khả năng quay video HD với sự hỗ trợ âm thanh từ microphone lắp ngoài SEMA-1.
Tuy nhiên, với những cải tiến nhỏ, chủ yếu là việc bổ sung thêm các tính năng còn thiếu chứ không phải là cải thiện hoạt động nên theo Cnet, những người đã sở hữu E-P1 cũng chưa cần thiết phải nâng cấp lên E-P2 ngay khi mức giá chênh lệch với cùng một ống kit 14-42 mm là khoảng gần 300 USD. Mặc dù được bổ sung thêm khung ngắm điện tử độ phân giải cao, E-P2 lại vẫn còn đi sau GH1 của Panasonic về tốc độ lấy nét. Vì thế, có lẽ E-P2 sẽ dành cho những fan mới muốn thử nghiệm định dạng Micro Four Thirds hơn là những người ủng hộ truyền thống.
|
Nguyễn Hà