Tokyo Olympic bế mạc hôm 8/8 ghi dấu vào lịch sử. Đây là lần đầu tiên sự kiện không có người xem ở các trường đấu, lễ khai mạc, bế mạc và không có giao lưu giữa cầu thủ nước ngoài với người dân nước chủ nhà.
Trong tình hình dịch lan rộng thì hoặc là không tổ chức hoặc phải tổ chức trong điều kiện đặc biệt như thế. Đã có 11.000 tuyển thủ của 205 nước và vùng lãnh thổ tham gia. Tuy một số tuyển thủ nước ngoài sau khi đến Nhật bị phát hiện nhiễm Covid-19 và phải bỏ cuộc, nhưng tất cả các trận đấu đã diễn ra như kế hoạch.
Tôi xem hết lễ khai mạc, đặc biệt chú ý mục tuyển thủ các nước lần lượt tiến vào lễ đài. Sắc màu trang phục, cách biểu lộ tinh thần đồng đội, nét mặt hân hoan được tham gia trong sự kiện quốc tế nhiều ý nghĩa của mỗi nước mỗi khác. Nhưng điểm tôi chú ý nhất là số tuyển thủ của các nước. Có nước hùng hậu tới trên 500 người, có nước chỉ vài vận động viên. Dĩ nhiên có nước nhỏ nước lớn và điều đó phản ánh trong sự kiện quốc tế này.
Nhưng nói vậy chưa đủ. Vì có nhiều nước nhỏ về quy mô kinh tế nhưng tuyển thủ khá đông. Có lẽ có ba yếu tố quyết định điều này: Quy mô dân số, trình độ phát triển phản ánh trên thu nhập đầu người và những yếu tố khác như lịch sử, địa lý và nhất là chính sách, chiến lược thể thao của mỗi quốc gia. Yếu tố thứ ba giải thích số tuyển thủ tương đối đông của nhiều nước Phi châu, châu Mỹ Latin và Đông Âu dù dân số rất ít và trình độ phát triển chưa cao. Số tuyển thủ đông đảo còn phản ánh khả năng tham gia thi đấu ở nhiều chủng loại, hạng mục thể thao.
Tôi thấy số tuyển thủ tham gia gần như tương ứng với thành tích đạt được. Những nước có tuyển thủ đông nhất là Mỹ (657), Nhật (600), Australia (468), Trung Quốc (420) đều trong nhóm sáu nước đoạt nhiều huy chương nhất. Các nước khác thuộc top 10, gồm Anh, Nga, Hà Lan, Pháp, Đức và Italy cũng có tuyển thủ đông đảo. Chỉ 10 nước này đã đoạt tất cả 203, chiếm 60% tổng số huy chương vàng.
Tôi đặt ra vấn đề này và đưa ra ba yếu tố ở trên cũng là để suy nghĩ về trường hợp Việt Nam chúng ta. Kỳ này, Việt Nam chỉ có 19 tuyển thủ tham gia và rất tiếc không đoạt huy chương nào. Nhìn từ hai yếu tố, dân số và trình độ phát triển - đã đạt mức trung bình, cũng như vị trí ngày càng cao trên các diễn đàn chính trị kinh tế khu vực và thế giới, vị trí của Việt Nam ở Olympic thật quá nhỏ. Việt Nam lại ở tương đối gần Tokyo. Nhiều nước xa xôi tận Phi châu như Uganda hay Trung Nam Mỹ như Guatemala có số dân chỉ bằng nửa hay 1/5 của Việt Nam và thu nhập đầu người ít hơn nhiều, nhưng tuyển thủ tham gia xấp xỉ Việt Nam.
Số tuyển thủ quá ít của Việt Nam có thể giải thích bằng yếu tố thứ ba nói trên. Chúng ta mới có hòa bình hơn 30 năm nay và phải ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu khác. Nhưng cũng khách quan nhìn lại thì thấy Việt Nam chưa cố gắng đúng mức để phát hiện tài năng trẻ, để đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực thể thao. Trong tương lai, nếu kinh tế phát triển mạnh mẽ và có chính sách chấn hưng thể thao, tăng thể lực người dân, tôi hy vọng vị trí của Việt Nam ở các Thế vận hội tương lai sẽ khác.
Nhìn lại lịch sử Olympic khoảng 60 năm gần đây, ta thấy những nước được tín nhiệm đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế này đều đã kinh qua một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, báo hiệu thời đại mới sắp tới. Trước hết là Nhật Bản với Tokyo Olympic năm 1964. Lúc đó, Nhật đang ở vào giữa giai đoạn phát triển thần kỳ - trung bình tăng trưởng 10% mỗi năm kéo dài gần 20 năm, từ 1955 đến 1973.
Tiếp theo Nhật, 24 năm sau là Seoul Olympic 1988. Hàn Quốc trở thành nước công nghiệp mới năm 1979 và tiếp tục phát triển với tốc độ cao để 9 năm sau tổ chức sự kiện quốc tế quan trọng này. Mùa hè năm 1986, lần đầu tiên thăm Hàn Quốc, tôi chứng kiến không khí tưng bừng, hồ hởi và tự tin của người dân đang chuẩn bị cho Seoul Olympic. Hai mươi năm sau là Beijing Olympic 2008. Trung Quốc đang ở vào giữa giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hai năm sau đó vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới.
Được đăng cai tổ chức Olympic có thể không phải là mục tiêu của quốc gia nhưng sự kiện quan trọng đó nói lên một trong những thành quả của phát triển. Để có thể tổ chức thành công Thế vận hội hiện đại với sự tham gia của cả vạn tuyển thủ đến từ trên dưới 200 nước và vùng lãnh thổ phải có năng lực tài chính và kỹ thuật, công nghệ, quản lý để xây dựng cơ sở hạ tầng phức tạp, đa dạng, bảo đảm an toàn các đấu trường cho hàng chục chủng loại thể thao.
Yếu tố quan trọng không kém là khả năng bảo đảm an toàn cho tuyển thủ và du khách trong hơn hai tuần của Olympic, là sự hiếu khách thể hiện ở văn hóa của thị dân, ở tổ chức, sinh hoạt kinh tế, xã hội của thành phố. Olympic không chỉ là sự kiện thể thao lớn của nhân loại mà còn là một sự kiện kinh tế, chính trị.
Việt Nam thì sao? Nếu đặt mục tiêu trở thành nước tiên tiến vào năm 2045 thì khoảng cuối thập niên 2030, tức gần 20 năm nữa, Việt Nam phải đủ năng lực để tổ chức sự kiện quốc tế lớn này dù trên thực tế Hà Nội, TP HCM hay Đà Nẵng, Hải Phòng có giành được thắng lợi trong cuộc cạnh tranh đăng cai tổ chức Olympic hay không.
Hiện các Olympic đến năm 2032 đã được quyết định. Paris 2024, Los Angeles 2028, Brisbane 2032 và Istanbul đang nhắm Olympic 2036. Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Ấn Độ có thể sẽ tranh nhau đăng cai tổ chức Olympic 2040?
Hơn 10 năm trước, Việt Nam đã đạt mức phát triển trung bình thấp. Nếu việc phủ vaccine được tiến hành nhanh đến đại đa số dân chúng và nạn dịch căn bản được khắc phục, kinh tế sẽ trở lại quỹ đạo của những năm trước 2020 và Việt Nam sẽ đạt mức phát triển trung bình cao vào giữa hoặc nửa sau thập niên này.
Nhưng từ phát triển trung bình cao tiến lên hàng một nước tiên tiến không dễ, đòi hỏi những cải cách sâu rộng, mạnh mẽ về thị trường vốn, thị trường đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, chấn hưng khoa học công nghệ, cải cách hành chính liên quan tiền lương và chế độ tuyển chọn quan chức các cấp.
Những cải cách này là tiền đề để các nguồn lực được phân bổ hiệu quả, để khoa học, công nghệ được ứng dụng rộng rãi, chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với những thay đổi của khoa học, công nghệ. Và từ đó, năng suất lao động tăng vượt bậc so với các giai đoạn phát triển trước.
Đây cũng là những tiền đề để có thể tổ chức Olympic vào khoảng năm 2040.
Trần Văn Thọ