"Giải đấu chỉ kéo dài một tháng, và các hiệu ứng kích thích kinh tế chẳng là gì so với quy mô của Brazil", Barbara Mattos - nhà phân tích tín nhiệm cấp cao tại Moody’s cho biết.
Khủng hoảng tại Brazil tuần trước đã có bước ngoặt mới. Thượng viện đã bỏ phiếu bắt đầu điều tra Tổng thống Dilma Rousseff, buộc bà tạm từ chức. Phó tổng thống Michel Temer sẽ tạm nắm quyền.
Việc thay lãnh đạo diễn ra khi chỉ chưa đầy 85 ngày nữa là tới Olympic Rio. Moody’s cho rằng gần như tất cả cơ sở hạ tầng cho Olympic đã hoàn thiện trong giới hạn ngân sách. Brazil dự báo khoảng 350.000 người sẽ tới đây trong dịp Olympic, làm tăng nhu cầu thực phẩm, đồ uống, hàng không và khách sạn.
Tuy nhiên, kể cả các lợi ích ngắn hạn này cũng không đảm bảo. Virus Zika tại đây đã khiến nhiều người e ngại. Một số nữ vận động viên, như cầu thủ Hope Solo của Mỹ, đã cho biết sẽ không rời khỏi khách sạn, trừ lúc tập luyện và thi đấu.
Zika cũng là nguyên nhân vé xem các trận thi đấu Olympic bán ra chậm. Đến đầu tháng 4, cựu Bộ trưởng Thể thao Brazil - Ricardo Leyser cho biết mới có nửa số vé được bán. Leyser đã bị thay thế bởi Leonardo Picciani tuần trước. Từ đầu tháng 3, nước này đã thay tới 3 bộ trưởng thể thao.
Brazil đã chi tiêu khá lớn bất chấp suy thoái kinh tế. Họ đã đổ 7,1 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng, như xây tuyến đường sắt mới. Con số này còn nhiều hơn tiền họ chi cho World Cup.
Nhưng những khoản đầu tư này sẽ không cứu được nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin. GDP Brazil đã co lại 3,8% năm ngoái. Ngân hàng Trung ương Brazil cũng dự báo nền kinh tế chỉ tăng trưởng 3,5% năm nay. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì cho rằng GDP tại đây sẽ vẫn đi xuống năm 2017.
Hàng triệu người Brazil đã mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp tại đây đang ở mức 2 con số. Lạm phát đã tăng tốc và đồng real đã mất giá đáng kể trong 2 năm qua.
Suy thoái cũng có thể hạn chế số người Brazil tới Rio trong dịp Olympic. Hồi tháng 2, Moody's đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Brazil xuống mức "rác" - dưới ngưỡng có thể đầu tư.
Hà Thu (theo CNN)