Lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam tiết lộ phần thưởng cho mỗi tấm HC vàng tại Olympic Rio 2016 lên tới hơn một tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ hội để có một vận động viên đạt được khoản tiền trên là rất mong manh, thậm chí là bất khả thi. Theo trưởng đoàn Trần Đức Phấn, phải có may mắn Việt Nam giành được huy chương tại kỳ Thế vận hội 2016, còn HC vàng là quá khó.
Niềm hy vọng số một của thể thao Việt Nam tại Olympic Rio 2016 là Thạch Kim Tuấn. Đô cử này từng giành HC bạc tại ASIAD 17 và HC đồng tại giải vô địch thế giới 2015. Ở hạng cân 56 kg, anh thuộc nhóm mạnh, chỉ thua đôi chút so với Om Yun Chol của Triều Tiên và Wu Jingbiao của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngay trước ngày sang Brazil, Thạch Kim Tuấn tái phát chấn thương đầu gối. Những ngày qua, đô cử này phải chịu đau tập mức 300 kg, mức có thể giúp anh giành huy chương. Trưởng bộ môn Đỗ Đình Kháng cho biết Thạch Kim Tuấn gần như chắc chắn sẽ không kịp hồi phục khi bước vào tranh tài tại Olympic Rio 2016, phải chấp nhận nén đau thi đấu.
Đặc biệt, những ngày tới Thạch Kim Tuấn phải ép cân. Đô cử của Việt Nam thi đấu hạng dưới 56 kg nhưng hiện tại cân nặng của anh là 57,4 kg.
Sau Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền được kỳ vọng có thể mang về cho thể thao Việt Nam một tấm huy chương tại Olympic 2016. Cuối năm ngoái nữ đô cử Việt Nam bất ngờ giành hai HC bạc và một HC đồng tại giải vô địch thế giới, cô từ chỗ vô danh được làng cử tạ thế giới nhắc đến và được xem như một nhân tố bí ẩn.
Huyền đã đạt tổng cử 194 kg, vượt mức HC đồng Olympic 2012 của Ryang Chun Hwa (CHDCND Triều Tiên) tới 2kg, chỉ kém 3kg so với mức HC bạc của Hiromi Miayke (Nhật Bản). Ban huấn luyện cho biết thành tích của đô cử 23 tuổi hiện tại còn tốt hơn nữa nhưng con số được giữ bí mật để làm bất ngờ cho đối thủ. Vấn đề với Vương Thị Huyền là tâm lý, sự ổn định trong thi đấu. Tại giải châu Á diễn ra tháng 4 vừa qua, Vương Thị Huyền chỉ đạt 187 kg, kém cả người đồng đội Nguyễn Thị Thúy (192 kg).
Hoàng Xuân Vinh ở bộ môn bắn súng là niềm hy vọng số ba của đoàn thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ hội chiến thắng của xạ thủ này cũng không nhiều. Ngoài chuyện có khoảng năm vận động viên có trình độ cao hơn Hoàng Xuân Vinh dự Olympic 2016, xạ thủ Việt Nam còn có điểm yếu tâm lý.
Olympic 2012, trong bài thi chung kết 50m súng ngắn tự chọn, Xuân Vinh thi đấu cực tốt ở tám loạt bắn đầu tiên, giành tới 563 điểm. Ở viên thứ chín, chỉ cần bắn vào ô tám điểm, Xuân Vinh chắc chắn đoạt HC đồng. Nhưng trên thực tế anh chỉ ghi được 7,3 điểm trong khi những đối thủ cạnh tranh đều ghi trên 9 điểm. Sau đó, dù bắn được 10,2 điểm ở lượt thứ 10, Hoàng Xuân Vinh chỉ đoạt 958,5 điểm, kém đối thủ đoạt HC đồng Wang Zhiwei (Trung Quốc) vỏn vẹn 0,1 điểm.
Trước đó, tại ASIAD năm 2010, Xuân Vinh cũng vuột HC vàng ở phút cuối. Khi chỉ còn một lượt bắn, xạ thủ số một Việt Nam dẫn các đối thủ với khoảng cách bốn điểm. Điều này đồng nghĩa với việc anh chỉ cần được bảy điểm cho viên đạn cuối cùng là giành HC vàng. Nhưng do tâm lí căng thẳng nên Vinh để súng cướp cò, rơi xuống tận thứ 13.
Xét về mặt tên tuổi, Nguyễn Thị Ánh Viên vận động viên nổi nhất của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Rio 2016 nhờ thành tích đoạt 8 HC vàng, phá 8 kỷ lục tại SEA Games 2015. Nhưng cơ hội để kình ngư này đạt huy chương tại Brazil gần như là không có. Ánh Viên cho biết mục tiêu thực tế của cô là lọt vào loạt bơi chung kết.
Theo các chuyên gia, rất nhiều gương mặt khác như Nguyễn Thị Hà Thanh (Thể dục dụng cụ), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ)… gần như không có cơ hội giành huy chương tại Olympic 2016 trừ khi có điều kỳ diệu xảy ra.
Việt Nam tham dự Olypic Rio 2016 với 23 vận động viên và 27 lãnh đạo, huấn luyện viên, bác sĩ… mục tiêu là có một tấm huy chương. Thái Lan trong khi đó dự Thế vận hội với 51 vận động viên, chỉ tiêu đề ra là giành một HC vàng, 6 HC bạc và đồng. |
Lâm Thỏa