Cả nước hiện có hơn 2 triệu sinh viên học tập tại các trường đại học và cao đẳng nhưng những sân chơi về nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên còn khá hạn chế. Nhu cầu về những sân chơi nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các nguồn thông tin nghiên cứu, cũng như mở ra cơ hội để sinh viên cả nước giao lưu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, có thể nói là điều cấp bách.
Nghiên cứu khoa học là thử thách của tất cả sinh viên đại học. |
Chương trình “Olympia dành cho sinh viên đại học” do Công ty LG Electronics Việt Nam khởi xướng, đã đón nhận sự quan tâm của sinh viên nói chung và những sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học gửi đến chương trình nói riêng.
Cuộc thi là cơ hội tranh tài cho sinh viên ở hai khối ngành khoa học tự nhiên và kinh tế. Trong số hơn 100 đề tài nghiên cứu của các nhóm tác giả, các cá nhân từ hơn 20 trường đại học gửi về chương trình, Ban tổ chức đang gấp rút để chọn ra 12 đề tài vào vòng sơ kết.
Những thông tin ban đầu về chương trình, về cuộc thi, về những đề tài sinh viên tham gia dần trở thành mối quan tâm của nhiều sinh viên. Hoàng Trọng Khôi - sinh viên Khoa cơ khí Ôtô - Đại học Bách Khoa TP HCM cho biết: “Đây là một trong những sân chơi hiếm hoi giúp sinh viên có điều kiện thể hiện mình bằng những nghiên cứu khoa học. Mình là sinh viên mới nên chưa có nhiều điều kiện và đủ kiến thức để tham gia dự thi, nhưng mình rất quan tâm đến chương trình. Mình thường theo dõi thông tin trên báo chí để tích luỹ thông tin và mong muốn trong các năm tới có cơ hội xây dựng đề tài nghiên cứu và tham gia với chương trình”.
Nghiên cứu khoa học đánh thức sự sáng tạo của sinh viên. |
Với Nguyễn Thị Tường Vi - Đại học ngoại thương cơ sở II TP HCM, cuộc thi không chỉ là một sân chơi, mà còn là một kết nối thú vị: “Kích thích câu chuyện nghiên cứu khoa học trong sinh viên theo quan niệm của tôi là điều cần thiết, tôi cũng từng quan sát, theo dõi nhiều cuộc thi nhưng quy mô chỉ ở cấp trường hoặc cấp khu vực. Tôi nghĩ chương trình Olympia không chỉ là một sân chơi học thuật thuần tuý, mà còn là một môi trường cần thiết để sinh viên có dịp thể hiện mình, kết bạn, thiết lập những mối quan hệ cùng sở thích để chia sẻ kiến thức nghiên cứu. Sự kết nối này chỉ có thể bắt nguồn từ những sân chơi lớn và đây cũng là bước đệm thú vị và bổ ích cho sinh viên trước khi tốt nghiệp, để chuẩn bị bước vào đời”.
Trong gần 100 đề tài gửi về chương trình có các chuyên ngành khác nhau như: hoá học, viễn thông, môi trường, điện tử, công nghệ thông tin, kinh tế, thương mại, tài chính doanh nghiệp, vận tải biển… 12 đề tài cụ thể đáp ứng yêu cầu Ban tổ chức đặt ra với ứng dụng cao vào thực tiễn sẽ được chọn vào vòng sơ kết. Chương trình sẽ tiếp tục diễn ra đến tháng 4/2013.
Ngọc Điệp