Với số đo chưa tới 3mm, OLED Signature W7 đang là TV mỏng nhất thị trường. Có thể hình dung, mẫu TV OLED của LG còn chưa bằng một tấm kính trang trí thông thường và chỉ ngang 4 tấm thẻ ATM gộp lại.
Thiết kế tổng thể là ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy sản phẩm vì nó mỏng một cách hoàn hảo.
Khi treo, toàn bộ phần đế treo tường cùng với màn hình đạt độ mỏng chưa tới 4 mm nhờ thiết kế dán tường, trong khi hầu hết TV siêu mỏng khác, khi treo, phần màn hình vẫn nhô ra khỏi tường tới hàng chục mm do các bộ giá treo. Còn ở W7, mặt lưng sử dụng hệ thống nam châm từ tính có thể hút và dính chặt lên một hệ thống giá đỡ kim loại siêu mỏng.
Bí quyết tạo ra độ mỏng và thiết kế dán tường nằm ở công nghệ màn hình OLED. Trông như một tấm kính, nhưng thực tế, màn hình của W7 lại là dạng linh hoạt có thể bẻ cong nhẹ, nên có thể dính rồi gỡ ra khỏi tường một cách nhẹ nhàng, đơn giản. Bên cạnh đó, kích thước màn hình lên tới 65 hay 77 inch, nhưng trọng lượng của màn hình chỉ ở mức 8 đến 9 kg, nhẹ hơn tới vài lần so với những mẫu TV siêu mỏng cùng kích thước.
Video dán W7 lên tường:
Phong cách thiết kế của W7 là tối giản - trào lưu đang được hầu hết các hãng công nghệ hiện nay theo đuổi. Khung viền bao quanh màn hình của W7 được làm rất mảnh so với TV thông thường. Toàn bộ mặt trước chỉ như một tấm kính đen bóng, bao quanh bốn viền là một dải kim loại khá mỏng.
Tuy nhiên, đánh đổi cho phong cách tối giản và độ mỏng đến không tưởng, hệ thống loa và bộ phận điều khiển, cổng giao tiếp thông thường của TV trên OLED W7 đã được tách riêng ra khỏi màn hình, tạo thành một bộ Hub có kiểu dáng như một bộ Soundbar (loa thanh). Màn hình và Hub kết nối với nhau thông qua một dây cáp mỏng, trong suốt. Vì thế, thay vì nằm ở sau lưng TV, giờ đây các cổng USB, HDMI hay jack ăng-ten đều nằm ở phía sau bộ loa thanh này.
Trong khi với hầu hết TV, người dùng đều có thể chọn lựa bày TV trên kệ hay treo tường thì ở W7, người dùng chỉ có duy nhất một lựa chọn. Màn hình quá mỏng, lại có tính linh hoạt nên chỉ phù hợp để dán lên tường, không có thiết kế chân đế để đứng được trên các mặt phẳng.
Là dòng sản phẩm TV đầu bảng trong năm 2017 nên chất lượng hiển thị của OLED W7 có thể coi là xuất sắc với phần đông người xem nhờ việc quy tụ hầu hết các công nghệ hình ảnh mới nhất. Việc màn hình quá mỏng không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đến khả năng hiển thị.
Công nghệ màn hình OLED, không sử dụng đèn nền như LED, giúp hình ảnh thể hiện có độ tương phản rất cao. Nếu như ở TV LED thông thường, dù cao cấp đến đâu, sử dụng công nghệ chấm lượng tử hay không thì vẫn có ít, nhiều hiện tượng hở sáng, thì ở OLED như ở W7, màu đen hiển thị đạt mức tuyệt đối. Đó là khác biệt dễ nhận thấy khi thử xem một bộ phim độ nét cao trên mẫu TV OLED dán tường.
Xét về thông số kỹ thuật và công nghệ, đây là mẫu TV thuộc hàng cao cấp nhất trên thị trường hiện nay và là model dẫn đầu của LG. Độ sáng trên màn hình W7 đã được tăng thêm 25% so với những mẫu OLED cao cấp năm ngoái. Bên cạnh độ phân giải 4K, màn hình còn hỗ trợ cả 3 định dạng video HDR phổ biến là Dolby Vision, HDR10 và HLG. Đây cũng là TV đầu tiên tích hợp cả hai công nghệ Dolby Vision và Dolby Atmos. Tuy nhiên, người dùng cũng không phải bận tâm đến việc chọn lựa định dạng nào cho phù hợp khi xem. TV chủ động kích hoạt định dạng HDR tương thích với nội dung và nó sẽ được hiển thị bằng một thông báo nhỏ trên góc màn hình.
HDR là một trong những công nghệ hình ảnh quan trọng trên TV cao cấp thế hệ mới và nhận được sự hỗ trợ lớn từ những nhà sản xuất phim ảnh lớn tới từ Hollywood. Về cơ bản, định dạng hình ảnh này giúp tăng cường màu sắc và độ chi tiết lên nhiều lần so với thông thường. Nó giúp hình ảnh ở các vùng sáng và tối trở nên rõ nét hơn, tránh hiện tượng các phần trắng bị mờ và mất chi tiết. Trên OLED W7 của LG, ngoài việc xem các nội dung 4K và HDR bằng đầu HD, đầu Blu-ray hay USB lưu trữ, người dùng cũng có thể sử dụng các ứng dụng online như Netflix và YouTube.
Điều cần quan tâm ở chất lượng hình ảnh của Signature W7 đó là việc liệu nó có thể giữ được trong khoảng thời gian bao lâu. Hiện giờ, vẫn còn những tranh cãi, hoài nghi về tuổi thọ của tấm nền OLED dù công nghệ này thể hiện chất lượng hiển thị vượt trội LCD và LCD LED. Bên cạnh đó, tấm nền màn hình dạng linh hoạt, có thể uốn dẻo của TV cũng cần những chú ý đặc biệt trong quá trình sử dụng, giữ gìn hơn TV thông thường.
Việc tách riêng TV thành hai bộ phận riêng biệt là màn hình và loa thanh tạo ra bất tiện khi lắp đặt, nhưng đổi lại, chất lượng âm thanh đem lại khá hiệu quả. Trong khi hầu hết TV thông thường với loa tích hợp thường hạn chế là âm lượng nhỏ, chất lượng không cao, thiếu sự sống động và không tạo ra được hiệu ứng âm thanh vòm rõ ràng, bộ loa thanh thanh của W7 giải quyết khá tốt những điều này.
Nó bao gồm 6 loa con tạo thành một hệ thống 4.2. Khi xem các chương trình truyền hình hay một trận đấu thể thao, hệ thống này cũng tạo ra hiệu ứng khá sống động nhờ nhiều loa. Khi xem phim, đặc biệt với những nội dung chất lượng cao HD và 4K, hiệu ứng âm thanh vòm thể hiện rõ nhờ việc tích hợp công nghệ Dolby Atmos. Tuy nhiên, so với một Sound Bar riêng biệt hay dàn âm thanh Home Theater, công suất ở bộ loa đi kèm với OLED W7 vẫn hạn chế khi mới có 60 watt, dù đã nhỉnh hơn TV thông thường.
Với mức niêm yết lần lượt 300 triệu đồng cho phiên bản 65 inch và lên tới 650 triệu đồng cho phiên bản 77 inch, mẫu OLED dán tường của LG nằm trong nhóm TV có giá bán đắt đỏ nhất trên thị trường hiện nay. So với “đàn em” OLED G7, Signature W7 đắt gấp đôi. Với số tiền bỏ ra trên dưới 100 triệu đồng, thị trường cũng vẫn có một số dòng OLED, thậm chí cả Super UHD 4K sở hữu một số điểm nổi bật như màn hình OLED, 4K HDR hay hệ điều hành thông minh WebOS phiên bản mới nhất 3.5…
OLED W7 có giá còn quá cao và chưa phù hợp với phần đông người dùng TV Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận đây là một lựa chọn cao cấp “đắt xắt ra miếng”.