Chưa phải là đắt nhất hiện nay, nhưng mức giá suýt soát 100 triệu đồng cho một chiếc TV 65 inch rõ ràng không phải dành cho đa phần người dùng ở Việt Nam. Với số tiền đó, người mua có thể sắm được một TV 4K màn hình lớn hơn hay thậm chí 2 mẫu 4K 65 inch khác. Tuy nhiên, những TV thay thế đều không phải là màn hình OLED.
Điểm đầu tiên làm nên giá trị của OLED E8 là thiết kế.
Đây là TV có màn hình thuộc hàng mỏng nhất trên thị trường với giá dưới 100 triệu đồng. Phần mỏng nhất của TV trông như một tấm kính, chỉ dày vài mm, trong khi phần dày nhất, nơi chưa bảng mạch và bộ điều khiển, nằm ở phía mặt lưng cũng chưa đầy 5 cm. Với kích thước tương đương nhưng mỏng hơn, mẫu OLED W7 cùng hãng có giá tới hàng trăm triệu đồng.
TV này được thiết kế theo ngôn ngữ Picture-on-Glass. Nên khi nhìn chéo từ hai bên, sẽ thấy phần màn hình thực tế được ép lên một tấm kính dày chỉ vài mm. Ngoài dáng vẻ trông thanh mảnh hơn nhiều TV màn hình LED và LCD thông thường, lợi thế này giúp cho sản phẩm treo tường rất gọn và ép được sát vào giá đỡ. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm bất tiện khi cắm rút cáp HDMI hay USB vì hệ thống cổng kết nối được đặt toàn bộ phía sau màn hình.
Ngoài độ mỏng, OLED E8 trông cũng khá mới lạ nhờ thiết kế viền màn hình bên dưới làm từ kính trong suốt. Khi đặt trên kệ, màn hình TV tạo ra cảm giác lơ lửng, tách biệt khỏi chân đế. Đường viền hai bên và phía trên lại được rút gọn chỉ còn vài mm nên diện tích màn hình hiển thị gần như chiếm hết phía trước, giúp người xem tập trung toàn bộ vào hình ảnh, nội dung khi giải trí.
Ảnh thực tế OLED E8 phiên bản 65 inch:
Ngoài thiết kế, OLED E8 là TV 4K có chất lượng hình ảnh ấn tượng, ít điểm chê trách.
Ấn tượng đầu tiên khi bật TV là màu đen ở mức tuyệt đối. Màn hình tối toàn bộ và chỉ sáng một vùng nhỏ ở chính giữa, nhưng cũng không có bất kỳ vùng nào bị hở hay loang sáng, điều mà TV LED hiện nay dù cao cấp vẫn chưa khắc phục được triệt để.
Chuyển sang hình ảnh nhiều màu sắc, khác biệt trên mẫu OLED 4K 65 inch với TV thông thường là sự sống động và chiều sâu. Dù toàn bộ hình ảnh được phát ở chế độ 2D, người xem vẫn cảm nhận được sự nổi khối, tách biệt khá rõ ràng giữa từng vùng và màu sắc. Nội dung có độ nét càng cao, khác biệt ở chất lượng hình ảnh mà màn hình OLED 4K đem lại càng rõ rệt.
Công nghệ màn hình OLED mà sản phẩm sử dụng tiếp tục phát huy được những lợi thế mà TV 4K công nghệ màn hình LED chưa thể đạt tới - đó là độ tương phản và khả năng thể hiện màu sâu. Với cấu trúc điểm ảnh tự phát sáng, không cần đến đèn nền, màn hình OLED như ở E8 có khả năng thể hiện màu đen hoàn hảo, không ở mức xám mờ như LED hay thỉnh thoảng xuất hiện những vùng bị hở và loang sáng.
Burn-in - hiện tượng một số vùng bị lưu lại hình ảnh cũ, có thể thấy mờ mờ khi nhìn gần - trước kia từng thấy nhiều trên TV công nghệ Plasma nhưng nay thấy cả trên smartphone màn hình OLED và AMOLED. Với E8, một loạt tính năng bao gồm Pixel Refresher, Screen Shift hay Logo Luminance Adjustment có trong phần cài đặt hình ảnh đã hạn chế hiện tượng Burn-in của tấm nền OLED. Khi xem TV liên tục trong thời gian quá dài, các điểm ảnh sẽ tự động "nghỉ ngơi", màn hình tự xê dịch một biên độ nhỏ và các vùng hiển thị logo được giảm bớt sáng... để tránh việc lưu ảnh.
Thực tế, nếu người dùng không "để quên" màn hình OLED ở một hình ảnh tĩnh liên tục trong nhiều giờ và ngày qua ngày, hiện tượng Burn-in trên OLED khó xảy ra hơn nhiều so với Plasma trước kia. Lời khuyên của các chuyên gia khi sở hữu TV OLED bất kỳ là đầu tiên hãy kích hoạt tính năng chống Burn-in trong cài đặt.
Với thông số kỹ thuật, E8 tỏ ra xứng đáng với mức giá. So với đối thủ như A8F cùng tầm tiền tới từ Sony, sản phẩm có lợi thế hơn. Ví dụ, cùng hỗ trợ 4K HDR, nhưng LG E8 lại tương thích tới cả 4 tiêu chuẩn bao gồm Dolby Vision, Advance HDR và HDR10 Pro và HLG Pro trong khi A8F lại chỉ hỗ trợ HDR10 và HLG. Gần như toàn bộ các công nghệ hình ảnh cao cấp nhất trên dòng W series đã được LG mang xuống model này.
Còn đặt cạnh mẫu OLED E7 tiền nhiệm thế hệ năm ngoái, E8 của năm nay có thêm nhiều nâng cấp giá trị. Quan trọng nhất là chip xử lý hình ảnh riêng biệt có tên Alpha9 giúp độ sắc nét của hình ảnh hay độ trung thực, sống động của màu sắc đều được cải thiện thêm nhiều lần so với trước. Ví dụ, ở khả năng khử nhiễu nhằm tăng cường sắc nét, chip Alpha9 đã tăng gấp đôi số bước xử lý từ 2 lên 4 so với thế hệ TV trước của LG. Hay như ở khả năng tái tạo màu sắc, dải màu trên mẫu OLED đời mới cao hơn tới 7,3 lần so với sản phẩm thông thường.
Những tính năng thông minh Smart TV, khả năng kết nối Internet không dây tốc độ cao giờ là trang bị không thể thiếu trên bất kỳ TV cao cấp nào. Trên E8 năm nay, hệ điều hành WebOS quen thuộc không thay đổi nhiều so với năm ngoái - vẫn là phiên bản 3.5. So với Android TV hay một số nền tảng khác, hệ điều hành Smart TV LG có giao diện đơn giản, dễ sử dụng. Kho ứng dụng chỉ ở mức đủ dùng, không đa dạng như Android nhưng hầu hết ứng dụng truyền hình Internet, xem phim hay nghe nhạc trực tuyến phổ biến ở Việt Nam đều đầy đủ.
Điều khiến OLED E8 có mức giá không hề rẻ có thể vì đây là thế hệ TV đầu tiên được tích hợp nền tảng trí tuệ nhân tạo AI ThinQ của LG. Đây cũng là khác biệt rõ rệt so với thế hệ Smart TV và OLED tiền nhiệm.
ThinQ là hệ thống tính năng thông minh xuyên suốt nhiều sản phẩm điện tử và gia dụng cao cấp đời mới của thương hiệu Hàn Quốc. Trên các thế hệ trước, LG đã tích hợp công nghệ nhận diện giọng nói, cho phép nhập liệu để tìm kiếm, với ThinQ trên E8, bản nâng cấp đem đến nhiều tính năng mới hơn. Ví dụ, người dùng có thể ra lệnh để TV tắt đi hay mở lên, chuyển kênh và nguồn phát hay điều chỉnh âm lượng, chế độ hình ảnh... Nền tảng AI này cũng được tích hợp trợ lý ảo Google Assistant, tương thích với hệ thống nhà thông minh Google Home hay Amazon Alexa.
Như đa phần các nền tảng AI hay trợ lý ảo trên smartphone ở Việt Nam, hạn chế của ThinQ hiện tại là chưa hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt. Các khẩu lệnh đưa ra là tiếng Anh hoặc một số ngôn ngữ phổ biến khác.
Thiết kế, chất lượng hình ảnh cũng như các tính năng đời mới ở E8 xứng đáng với mức giá khá cao của sản phẩm nhưng phần âm thanh lại chưa tương xứng.
Dù sở hữu công suất lớn gấp rưỡi TV thông thường, 60 Watt và được bố trí kiểu 4.2, hệ thống âm thanh thiên về việc tăng cường âm lượng. Hiệu ứng âm thanh vòm chưa rõ rệt dù có màng loa hướng về trước và tích hợp công nghệ Dolby Atmos. Thiết kế quá mỏng và rút gọn cạnh viền có thể phần nào khiến cho E8 phải hy sinh ở khoản âm thanh. Để có được trải nghiệm phim ảnh tại gia tốt nhất và tương xứng với chất lượng hình ảnh có được, người dùng E8 nên có thêm một bộ loa thanh nữa.
Mức giá 94,9 triệu đồng cho phiên bản 65 inch và 61,9 triệu đồng cho phiên bản 55 inch là rào cản với nhiều người mua TV ở Việt Nam. So với đối thủ trực tiếp cùng tầm giá là Bravia OLED A8F của Sony, model từ LG có thông số kỹ thuật nhỉnh hơn. Còn đặt cạnh thế hệ OLED E7 năm ngoái, mẫu E8 năm nay mặc dù được định giá thấp hơn tới 20%, nhưng lại có nhiều nâng cấp hơn, như tích hợp chip xử lý hình ảnh riêng Alpha9 hay nền tảng AI ThinQ.