Công nghệ OLED (Organic Light Emitting Diode) được ứng dụng đầu tiên với màn hình đèn phát sáng hai cực. Đây là một loại thiết bị điện tử được chế tạo bằng cách đặt nhiều tấm phim hữu cơ mỏng giữa hai điện cực. Dòng điện chạy qua làm thiết bị phát sáng. Quá trình này được gọi là lân quang điện tử.
Tuy được kết cấu theo hệ thống nhiều lớp nhưng thiết bị này vẫn rất mỏng, dưới 500 nanomet ( tương đương 0,5 phần nghìn milimet). Điểm nổi bật của công nghệ OLED là cho phép màn hình tự chiếu sáng mà không cần đèn nền. Do vậy, ứng dụng công nghệ OLED cho phép chế tạo loại màn hình cực mỏng và gọn nhẹ. Màn hình này có góc nhìn rộng đến tận 160 độ và tiết kiệm điện năng do chỉ sử dụng nguồn điện 2-10V và không sinh nhiệt trong quá trình phát sáng.
So với màn hình tinh thể lỏng (LCD) và màn hình ống điện tử (CRT), hai loại màn hình đang được sử dụng phổ biến, các chuyên gia công nghệ đã chứng minh được màn hình OLED có độ sáng cao hơn, tốc độ hiển thị hình ảnh động nhanh hơn, trọng lượng nhẹ hơn, ít tốn nhiên liệu hơn và thời gian sử dụng lâu hơn. Ngoài ra, biên độ nhiệt cho phép đối với màn OLED rộng hơn (sử dụng được ở nhiều môi trường nhiệt độ hơn).
![]() |
Màn hình OLED của Sanyo. |
Những ưu điểm này đều xuất phát từ cuộc cách mạng trong công nghệ OLED - màn hình tự phát sáng không cần các thiết bị chiếu sáng đi kèm - giản tiện hơn song lại khoa học hơn. Điều này đặc biệt thích hợp trong việc sản xuất màn hình điện thoại di động, thiết bị cầm tay đòi hỏi gọn nhẹ, tích hợp nhiều tính năng công nghệ.
Trong khi đó, màn hình CTR phải sử dụng đèn cathode trong môi trường chân không phát ra một trùm tia điện tử làm phát quang chất phốt-pho trên màn hình khi chùm tia quét ngang qua. CRT cũng có thể sử dụng công nghệ khuếch tán tự phát sáng và có thể quan sát hình ảnh dưới mọi góc độ. Hiện nay CTR được sử dụng phổ biến trong sản xuất màn hình máy tính và tivi do chi phí sản xuất vừa phải và hiển thị màu sắc phong phú hơn màn hình LCD.
*Samsung X120 |
*Cách chọn màn CRT, LCD hay Plasma |
Màn hình LCD là dạng màn hình tinh thể lỏng, không có khả năng tự phát sáng. Thiết bị này hiển thị hình ảnh nhờ các phân tử tinh thể hình trụ thay đổi sự định hướng khi có dòng điện chạy qua. Màn hình LCD cũng được kết cấu phân tầng như màn hình OLED song lại có thêm đèn nền, vì loại màn hình này chỉ phản xạ lại ánh sáng do hệ thống đèn nền cung cấp. Do đó, màn hình LCD cồng kềnh hơn và tốn nhiều năng lượng điện hơn màn hình OLED.
Một điểm yếu nữa của màn hình LCD là hiện tượng rung hình gây mỏi mắt khi nhìn lâu. Hiện nay, LCD được ứng dụng trong sản xuất màn hình máy tính xách tay, đồng hồ điện tử hoặc điện thoại di động. Theo nhận định của các nhà khoa học và các hãng điện thoại lớn, trong tương lai, với lợi thế so sánh của mình, màn hình OLED tỏ ra chiếm ưu thế hơn LCD.
![]() |
Điện thoại E700 (trái) và X120 của Samsung. |
Samsung là một trong những hãng tiên phong đưa công nghệ OLED ứng dụng vào việc sản xuất màn hình điện thoại di động. Bắt đầu là điện thoại E700 được ứng dụng OLED ở màn hình ngoài với 256 màu gây ra cơn sốt điện thoại thời trang ở nhiều nước đầu quý II năm 2004. Sự ra đời của mẫu X120 trong quý IV tiếp tục giúp công chúng thử nghiệm những ưu việt của công nghệ OLED trên màn hình lớn hơn (128x128 pixel) với nhiều màu sắc hơn (65.536 màu). Samsung cho biết, trong năm tới, hãng sẽ tiếp tục giới thiệu tới người sử dụng thiết bị cầm tay thêm nhiều ứng dụng từ công nghệ OLED.
Việt Linh