Tại phiên họp thường niên sáng nay (22/5), ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) cho biết sẽ xây dựng kế hoạch đưa Kem Tràng Tiền phát triển tại thị trường phía Nam. Đồng thời , công ty cũng đưa thương hiệu bánh Givral ra thị trường phía Bắc.
Givral - thương hiệu bánh gần 70 năm tại TP HCM là công ty con do OCH sở hữu 99%, trong khi Kem Tràng Tiền - thương hiệu ẩm thực của Hà Nội ra đời từ năm 1958, là công ty con của Givral.
Theo OCH, cả hai thương hiệu này đều gây dựng được danh tiếng trên thị trường, có thể cạnh tranh với những thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, cả Givral và Kem Tràng Tiền đều chưa khai thác hết tiềm năng. Dù có lịch sử hàng chục thập kỷ, nhưng hai thương hiệu này chỉ gắn liền với hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội.
"Chúng tôi từng thất bại khi đưa Kem Tràng Tiền vào nam trong những năm trước, nhưng lần này ban lãnh đạo công ty sẽ xây dựng kế hoạch cẩn thận và chi tiết hơn", Chủ tịch OCH cho biết.
Đánh giá về thị trường thực phẩm nói chung và bánh ngọt, kem nói riêng, ban lãnh đạo công ty này cho rằng, cạnh tranh hiện nay ngày càng gay gắt và khốc liệt. Thị trường ngày càng xuất hiện nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính mạnh, vị trí đẹp, sản phẩm đa dạng.
"Họ thậm chí chấp nhận áp dụng chiến lược bù lỗ trong gian đoạn gia nhập để chiếm lĩnh thị phần", báo cáo của Hội đồng quản trị nhận xét. Trong thời gian tới, OCH cho biết sẽ thực hiện theo chủ trương tăng cường nguồn vốn đầu tư, tập trung mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao, quảng bá hình ảnh thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ.
Năm 2019, thương hiệu bánh Givral mang về doanh thu 680 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế 195 tỷ, tăng lần lượt 17% và 12% so với năm 2018. Trong khi đó, Kem Tràng Tiền mang về 117,6 tỷ đồng doanh thu và 24,3 tỷ lợi nhuận trước thuế.
Về kế hoạch kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo OCH được cổ đông thông qua mục tiêu doanh thu hợp nhất gần 1.000 tỷ đồng, giảm 18% so với năm trước. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế dự kiến gấp 5 lần lên 192,6 tỷ đồng.
Theo đại diện OCH, mục tiêu trái ngược này do doanh thu các công ty con bị tác động bởi Covid-19, đặc biệt là hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng. Trong khi đó, kế hoạch lợi nhuận tăng do ghi nhận lãi từ thoái vốn đầu tư.
Trong quý I, đại dịch khiến doanh thu kinh doanh dịch vụ khách sạn các công ty con của OCH giảm, doanh thu mảng kinh doanh thực phẩm cũng thấp hơn cùng kỳ. Tuy vậy, hoạt động tài chính mang về doanh thu đột biến hơn 258 tỷ đồng nhờ lãi từ thoái vốn đầu tư tại hai công ty con giúp OCH bão lãi vượt kế hoạch.
Minh Sơn