Đầu năm nay, độc giả trang The Guardian xếp Ocean Vương là một trong 10 tác giả tiểu thuyết mới được yêu thích nhất. Tác phẩm On Earth We’re Briefly Gorgeous (tên tiếng Việt: Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, 2019) cũng nằm trong danh sách 10 cuốn sách hay về tình cảm gia đình của tờ báo Anh. Lauren Puckett-Pope, Phó tổng biên tập tạp chí Elle đánh giá đây là một trong 15 tiểu thuyết hay nhất năm 2022. Bà cho biết đọc hết cuốn sách trong một chiều hè và sau đó liên tục suy ngẫm về nỗi đau, sự kiên cường nhân vật đã trải qua. Lauren Puckett-Pope cho rằng độc giả nên nghiền ngẫm cuốn sách, nhất là những bài thơ tác giả viết.
Ở tuổi 35, Occean Vương giành nhiều giải thưởng văn học uy tín ở Mỹ như Eliot TS, The Narrative, Stanley Kunitz, từng được trang BuzzFeed đánh giá là một trong 32 tác giả người Mỹ gốc Á tiêu biểu.
Ocean Vương sinh năm 1988 tại một nông trại ở ngoại ô Sài Gòn, theo gia đình đến Hartford, Connecticut (Mỹ) khi mới hai tuổi. Trên tờ NewYorker, anh cho biết gia đình bảy người sống trong căn hộ chỉ có một phòng ngủ. Cha anh bị bắt vì bạo hành vợ sau khi đến Mỹ, hai người sau đó ly dị. Mẹ anh vùi đầu cả ngày ở tiệm làm móng để có thêm thu nhập. Một ngày, bà nói với một khách hàng về mong muốn đi biển, người này nói về "đại dương" (Ocean trong tiếng Anh), gợi ý bà đổi tên con trai Vương Quốc Vinh thành Ocean Vương.
Những năm đầu ở nước ngoài, anh chủ yếu giao tiếp tiếng Việt với người thân. Khi vào mẫu giáo, anh nhanh chóng nói thành thạo tiếng Anh nhưng đọc, viết kém. Bậc tiểu học, Vương thường được miễn làm các bài tập liên quan viết văn, làm thơ. Vương là thành viên đầu tiên trong gia đình biết đọc, viết thành thạo năm lên 11 tuổi. Mẹ anh, người mù chữ, không thể đọc tác phẩm của con trai khi anh ra mắt tập thơ đầu tay.
Ở trường, Vương thường bị bạn bè bắt nạt vì giọng nói nhỏ nhẹ, dáng người thấp bé. Anh dành phần lớn thời gian trong thư viện, nghe băng cát-xét, viết nhật ký. Năm lớp 4, sau khi nghe bài phát biểu I Have A Dream của Martin Luther King, Vương viết bài If a Boy Could Dream nhưng bị thầy giáo nghi ngờ đạo thơ. Suốt thời học sinh, tác giả nói anh chịu nhiều bất công vì là một học sinh nhập cư nghèo.
Tốt nghiệp phổ thông, anh từng học ngành tiếp thị, nhưng sau đó bỏ ngang và đăng ký vào ngành văn học ở Brooklyn College. Nhà thơ, tiểu thuyết gia Ben Lerner, thầy giáo của anh tại trường, nói về học trò: "Thỉnh thoảng, bạn gặp một sinh viên không thi để trở thành nhà văn, nhưng bản thân anh ta đã là một cây bút".
Ra mắt với tư cách nhà thơ nhưng tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian giúp Ocean Vương trở thành tên tuổi nổi bật trên văn đàn. Theo The Conversation, cuốn sách là những tâm sự thầm kín, đầy chất thơ mà cậu con trai có biệt danh Chó Con gửi người mẹ tên Rose. Dù được giới thiệu là tiểu thuyết hư cấu, người đọc nhận ra một số điểm tương đồng giữa Vương và người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Cả hai đều có cha mẹ là người Mỹ gốc Việt nhập cư, đồng tính và lớn lên ở Connecticut. Mẹ nhân vật làm việc tại tiệm móng, hút thuốc Marlboro và mắc chứng rối loạn căng thẳng do ám ảnh chiến tranh khi còn nhỏ. Bà không thạo tiếng Anh, thường đánh con trai.
Bằng những trải nghiệm, anh viết để phá vỡ định kiến về sự nam tính, lối sống của các gia đình nhập cư Mỹ. Anh còn lột tả nỗi đau của tàn dư chiến tranh trong gia đình gốc Việt. Bà của Chó Con, mắc bệnh tâm thần phân liệt, từng từ chối cuộc hôn nhân sắp đặt năm 17 tuổi, cuối cùng bị gia đình ruồng bỏ, rồi trở thành gái mại dâm. Anh viết về công việc làm móng độc hại, thu nhập thấp của người nhập cư, về những giấc mơ dần phai nhạt của họ trên đất Mỹ.
Theo tờ NPR, ngôn ngữ của tác giả bay bổng khi viết về cái đẹp, sự sinh tồn và tự do. Anh khẳng định mình và mẹ không phải được sinh ra từ chiến tranh như chính anh nghĩ bấy lâu, mà từ cái đẹp. Khi phát hành ở Việt Nam qua bản dịch của Khánh Nguyên, tác phẩm tạo nên "cơn sốt", tái bản sau một tháng.
Theo Tiến sĩ Đào Lê Na, người từng có nhiều cơ hội làm việc với Ocean Vương, nhà văn là người sống cảm xúc, luôn ưu tiên dành thời gian cho người thân. Sang Mỹ từ năm hai tuổi, không có nhiều điều kiện tiếp xúc văn hóa quê hương nhưng anh yêu tiếng mẹ đẻ, thích tìm hiểu ngôn ngữ, những câu chuyện về quê hương. Nhà văn là một Phật tử, ngưỡng mộ thiền sư Thích Nhất Hạnh, yêu triết học phương Đông, thích tìm hiểu ca dao, tục ngữ Việt.
"Trong tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, anh vận dụng cách viết của nhiều nhà văn châu Á - với cốt truyện đa tuyến, trong truyện có nhiều câu chuyện nhỏ. Bằng những chất liệu từ cuộc sống mà anh quan sát và trải nghiệm, Vương đã viết một tác phẩm đậm đặc chất Việt Nam, chân thật và gần gũi", Tiến sĩ Đào Lê Na nói.
Giống tiểu thuyết, ngôn ngữ thơ của Ocean Vương cũng phản ánh cái tôi cô đơn và những ẩn ức về quá khứ.
Trong tập thơ Night Sky With Exit Wounds (Trời đêm những vết thương xuyên thấu), anh viết trong bài Notebook Fragments: "An American soldier fucked a Vietnamese farmgirl. Thus my mother exists. / Thus I exist. Thus no bombs = no family = no me". (Một người lính Mỹ làm tình với một thôn nữ Việt. Và thế là mẹ tôi ra đời / Vì vậy mới có tôi/ Vì vậy, không có bom đạn = không có gia đình = không có tôi). Ngoài ra, những bài thơ về tình yêu đồng tính của Ocean Vương mạnh mẽ, nhiều tầng nghĩa.
Tập thơ mới nhất của anh, Time Is A Mother (ra mắt tháng 4/2022), như bản hòa tấu của những thanh âm cảm xúc, có nốt cao tươi đẹp và nốt thấp u tối, phản chiếu nhiều mặt hiện thực của cuộc sống. Tác phẩm cũng ẩn chứa nỗi đau của Vương khi mẹ anh - bà Lê Kim Hồng - qua đời năm 2019 vì bệnh ung thư vú. Anh đề dòng chữ tiếng Việt "Thời gian là một người mẹ" trong sách, cùng nhiều tên, địa danh Việt Nam. Việc ví von hình ảnh mẹ với tuyết, thiên nhiên cũng thể hiện lối ảnh hưởng bởi tư duy triết học phương Đông.
Sau những thành công hiện tại, Ocean Vương cho biết anh không ngừng học hỏi, tìm tòi trong trò chơi ngôn ngữ. Giữa năm ngoái, anh trở thành giảng viên có nhiệm kỳ cho chương trình Viết sáng tạo tại khoa Nghệ thuật và Khoa học của Đại học New York. Anh cũng đã hoàn thành kịch bản bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian.
Trong một buổi giao lưu trực tuyến với độc giả Việt khi ra mắt tiểu thuyết, nhà văn nói: "Đi tìm cái mới là một hành trình, đặc biệt là đi tìm cái mới trong ngôn từ. Từng câu chữ chính là ADN của tác phẩm, không ai có thể làm giống mình, bởi mỗi người đều có công thức, giá trị riêng biệt. Dù là cuộc sống, tình yêu hay sáng tác, cách chúng ta dùng kỹ thuật riêng của chính mình làm cho chúng ta trở nên khác biệt".
Hà Thu