Đại diện OCB cho biết, nhà băng này sẽ mở mới 5 chi nhánh đầu tiên ở các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Bình, Đắk Nông và Ninh Thuận, cùng 12 phòng giao dịch tại Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Bình Định, Lâm Đồng và Gia Lai. Theo đó, hệ thống mạng lưới của OCB sẽ tăng lên 176 điểm giao dịch, hiện diện tại 48 tỉnh thành trên cả nước.
Các đơn vị mở mới sẽ được ngân hàng này ưu tiên đầu tư, xây dựng và trang bị cơ sở vật chất hiện đại, hướng đến không gian giao dịch cao cấp, sang trọng. Ngoài ra, nhằm giúp khách hàng tại địa phương dễ dàng tiếp cận sản phẩm và dịch vụ, OCB sẽ lựa chọn vị trí đặt trụ sở nằm trên các tuyến đường trung tâm, đông dân cư, thuận tiện di chuyển.
Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Tổng Giám đốc Khối Bán lẻ OCB nhận định xu hướng không tiền mặt, trải nghiệm dịch vụ tài chính trực tuyến ngày càng phát triển, đây cũng là chiến lược ưu tiên của ngân hàng trong thời gian qua. "Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô hoạt động qua các điểm giao dịch trực tiếp sẽ giúp OCB tăng độ phủ thương hiệu, khách hàng thuận tiện hơn mỗi khi chọn lựa sản phẩm của ngân hàng", ông nói thêm rằng các chi nhánh, phòng giao dịch được yêu cầu ngày càng cao về nghiệp vụ, chuyên môn và tối ưu chất lượng dịch vụ khách hàng.
Việc liên tục được chấp thuận mở rộng quy mô mạng lưới trên toàn quốc đã ghi nhận hiệu quả hoạt động của ngân hàng trong thời gian qua. Kết hợp cùng chiến lược số hóa đã được tạo nền tảng từ nhiều năm trước, OCB đặt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2023. Tổng tài sản cuối năm 2024 dự kiến đạt 286.562 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Tổng huy động vốn thị trường 1 dự kiến đạt 197.346 tỷ đồng và tổng dư nợ thị trường 1 đạt 177,592 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 20%.
Quang Anh
Ảnh: OCB