Ngày 15/5, Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) công bố đánh giá triển vọng đối với xếp hạng tổ chức phát hành ở mức A+ của OCB là ổn định.
VIS Rating đánh giá năng lực độc lập của ngân hàng thể hiện khả năng sinh lời ở mức "Mạnh", chủ yếu đến từ lợi suất cho vay và biên lãi thuần (NIM) cao hơn ngành. OCB có nhiều chiến lược tập trung đến phân khúc cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Trọng tâm này giúp duy trì tỷ suất lợi nhuận trên bình quân tổng tài sản (ROA) trung bình 2,2% (giai đoạn 2019-2023), cao hơn bình quân toàn ngành 1,3%.
Định vị quy mô vốn của OCB cũng được đánh giá ở mức "Mạnh". Việc chào đón nhà đầu tư chiến lược là Ngân hàng Aozora (Nhật Bản) vào năm 2020 đã thúc đẩy khả năng tạo vốn nội bộ để hỗ trợ tăng trưởng tài sản.
Vào cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu chung hữu hình của OCB ở mức 12,8% so với tổng tài sản có rủi ro, cao hơn mức trung bình ngành là 10,2%. Tương tự, tỷ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II của ngân hàng là 13,3%, cao hơn mức trung bình ngành là 11%.
VIS Rating nêu trong bảng xếp hạng: với khả năng sinh lời được cải thiện, chúng tôi kỳ vọng quy mô vốn của OCB sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong 12-18 tháng tới. Những nỗ lực giữ lại vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, nếu tiếp tục, sẽ có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy an toàn vốn.
Tổ chức này cũng đánh giá OCB hiện vẫn quản lý tốt rủi ro tài sản thông qua các nỗ lực liên quan đến công tác xử lý nợ xấu bằng rất nhiều phương pháp, ưu tiên đồng hành cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn. OCB duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo liên quan đến bất động sản khá chặt. Nhờ đó, chi phí tín dụng của ngân hàng được duy trì thấp hơn mức trung bình của ngành trong hai năm qua.
Trong báo cáo VIS Rating cho thấy ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng hơn nữa về nguồn tiền gửi cốt lõi nhờ phát triển nhanh mạng lưới khách hàng thông qua các kênh chi nhánh và nền tảng số. Điều này phản ánh hồ sơ thanh khoản được quản lý khá tốt của OCB.
Vừa qua, OCB ra mắt phiên bản ngân hàng số OCB Omni 4.0. Phiên bản này tiến tới sẽ tích hợp và thống nhất trên một nền tảng, thúc đẩy các giao dịch tài chính tương tác và khả năng thu hút nguồn CASA lớn hơn.
"Chúng tôi kỳ vọng những nỗ lực này sẽ giúp cải thiện nguồn vốn cốt lõi chi phí thấp của ngân hàng", đại diện OCB nói.
Nguồn vốn thị trường của OCB chủ yếu là khoản vay dài hạn từ các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và viện Tài chính phát triển Đức (DEG). Các khoản vay này có thời hạn 1-5 năm và theo quan điểm của VIS Rating, không gây rủi ro thanh khoản cho ngân hàng trong ngắn hạn. Thay vào đó, những khoản vay này nâng cao tính ổn định của cơ cấu nguồn vốn và hồ sơ thanh khoản của ngân hàng.
"Dựa trên số liệu công bố của OCB, vào cuối năm 2023, chúng tôi đánh giá rằng ngân hàng không có chênh lệch kỳ hạn đối với nguồn vốn đáo hạn dưới một năm", VIS Rating nêu.
OCB được thành lập vào năm 1996, đang là ngân hàng có tốc độ phát triển nhanh nhờ vào nỗ lực, tiên phong áp dụng số hóa. Chiến lược này hỗ trợ quản lý chi phí nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Vào cuối năm 2023, tỷ lệ chi phí trên thu nhập của ngân hàng dưới 35%, thấp hơn mức trung bình của các ngân hàng cùng nhóm là 41%.
VIS Rating được Bộ Tài chính Việt Nam cấp giấy phép đại lý xếp hạng tín nhiệm vào tháng 9/2023. Đơn vị thành lập dựa trên mối quan hệ hợp tác với Moody's (tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới) cùng một số tổ chức khác, do hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) khởi xướng. VIS Rating cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm độc lập cho các tổ chức phát hành doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam.
Thái Anh