Open Banking là một hệ thống mà theo đó ngân hàng và các tổ chức tài chính mở giao diện lập trình ứng dụng (API), cho phép bên thứ ba truy cập thông tin dữ liệu cần thiết để phát triển ứng dụng và dịch vụ mới, cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng, đồng thời cung cấp cho chủ tài khoản/người dùng các tùy chọn minh bạch hơn về tài chính. Hệ thống này được thiết lập để hỗ trợ khách hàng kiểm soát thông tin cũng như ra quyết định tốt hơn và cải thiện trải nghiệm tài chính cho khách hàng.
Theo dự báo của Financial Brand, Open Banking là một trong 8 xu hướng fintech sẽ làm thay đổi ngành ngân hàng. Đây cũng là xu hướng toàn cầu quan trọng trong hệ sinh thái ngân hàng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Open Banking là một phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của Ngân hàng Phương Đông (OCB), được triển khai vào cuối năm 2019. Sự kết nối với các đối tác thông qua Open API giúp OCB mở rộng khả năng tiếp cận của khách hàng đến nhiều sản phẩm đầu tư tài chính hơn như mua bảo hiểm (du lịch, xe máy, tai nạn) hay đầu tư chứng chỉ quỹ Vinacapital... hoàn toàn trực tuyến ngay trên ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI.
"OCB đã đầu tư vào nền tảng API mở cấp doanh nghiệp có tiêu chuẩn bảo mật cấp cao nhất. Ngoài ra, chúng tôi còn giám sát chặt chẽ những thay đổi mới của các tiêu chuẩn ngân hàng mở PSD2 và áp dụng phương pháp hay nhất từ PSD2 vào các API mở của OCB. Toàn hệ thống của ngân hàng luôn được bảo mật cao nhất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế nhằm đảm bảo khi tích hợp hệ thống Open API vào hệ thống của đối tác, tổ chức, sẽ đảm bảo an toàn về thông tin", đại diện lãnh đạo OCB chia sẻ.
Hơn ba năm qua, OCB liên tục nghiên cứu và ứng dụng OPEN API để số hóa sản phẩm dịch vụ, tích hợp nhiều tính năng mới trên ngân hàng số OCB OMNI theo mục tiêu số hóa đã đề ra trước đó. Với ứng dụng OCB OMNI, khách hàng có thể chủ động mở tài khoản số đẹp trực tuyến với công nghệ định danh trực tuyến eKYC mà không cần đến quầy, kích hoạt thẻ Virtual (bao gồm thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng) để thực hiện mọi giao dịch thanh toán trực tuyến trong hạn mức 5 triệu đồng khi chưa nhận thẻ vật lý, tiết kiệm trực tuyến với những khoản tiền nhỏ chỉ từ 100.000 đồng bằng việc chọn lựa tiết kiệm tích lũy điện tử, giao dịch chứng khoán cùng đối tác VNDirect hay VISE.... Các hoạt động này góp phần giúp tăng trưởng khách hàng mới, mở rộng quy mô, tăng độ phủ tốt hơn và hướng đến kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn trong tương lai.
Với mô hình ngân hàng mở, khách hàng sử dụng được các sản phẩm của ngân hàng từ nhiều ứng dụng khác nhau ngoài ứng dụng ngân hàng số. Người dùng cũng có thể nhìn thấy bức tranh tổng thể về tình hình tài chính của mình từ các ngân hàng trong hệ thống ngân hàng hiện tại. Bên cạnh đó, người chưa đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống hoặc người có thu nhập thấp cũng nhận được nhiều lợi ích hơn, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của họ bằng dữ liệu tài chính thay thế.
Về phía ngân hàng, Open Banking giúp các nhà băng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác. Theo đó, ngân hàng có thể tạo ra các sản phẩm dịch vụ mang tính cá nhân hóa, từ đó giữ chân khách hàng lâu hơn và lượng khách hàng thân thiết tăng bền vững hơn. Ngoài ra, quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng còn hỗ trợ ngân hàng chấm điểm tín dụng khách hàng chính xác hơn.
Theo OCB, Open Banking còn khá mới với hầu hết người dùng và còn tồn đọng nhiều rủi ro. Bảo mật an ninh là một trong những vấn đề quan trọng nhất cần lưu ý khi triển khai mô hình này.
"Khi chưa có tiêu chuẩn chung cho ngân hàng mở, các ngân hàng khác nhau sẽ triển khai những giao thức bảo mật API khác nhau, dẫn đến có khả năng bị đánh cắp dữ liệu từ một số thành phần tham gia Open Banking nếu xuất hiện những giao thức API chưa đủ mạnh", đại diện OCB chia sẻ thêm. Do đó, bằng cách chuyển các tương tác của ngân hàng từ làm việc trực tiếp với khách hàng sang làm việc với nhà cung cấp dịch vụ, các ngân hàng cần thực hiện lại các thủ tục để quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn và bảo mật.
An Nhiên