Chuyển đổi số đang trở thành trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Mới đây nhất, ngân hàng đã tích hợp thành công dịch vụ chuyển tiền quốc tế online trên ứng dụng ngân hàng số OCB Omni. Ứng dụng này hiện tích hợp đầy đủ sản phẩm, dịch vụ, giúp khách hàng tiếp cận tới hơn 80 tiện ích, trong đó có nhiều dịch vụ miễn phí và tiện lợi mà không cần đến quầy.
OCB Omni hỗ trợ khách hàng có nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài cho các mục đích du học (học phí, sinh hoạt phí), khám chữa bệnh (viện phí, sinh hoạt phí) hoặc trợ cấp thân nhân. Khách hàng thực hiện tất cả giao dịch hoàn toàn trên online và có thể theo dõi tiến độ giao dịch trực tuyến, đảm bảo độ bảo mật, an toàn. Việc triển khai thành công OCB Omni giúp gia tăng trải nghiệm online với tất cả nhu cầu tài chính của khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB phát biểu tại lễ công bố triển khai thành công Open API và nhận chứng chỉ bảo mật PCI DSS tháng 12/2019. Ảnh: OCB.
Vào cuối năm 2019, OCB triển khai thành công nền tảng ngân hàng mở Open API. Đây là xu hướng mới nổi trong ngành tài chính, cung cấp nhiều loại dịch vụ mới và đang dần thay đổi mô hình ngân hàng bán lẻ truyền thống ở Việt Nam. Theo đó, nếu với hình thức API đóng (Closed API), các hệ thống chỉ đơn thuần kết nối truyền dữ liệu giữa ngân hàng và đối tác thì API mở sẽ giúp ngân hàng tạo hệ sinh thái khách hàng lớn và ổn định, kết nối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác nhau. Có thể tích hợp Open API vào hệ thống quản trị ERP để giảm thiểu thời gian phát triển sản phẩm, tập trung vào tính năng cốt lõi giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành, giảm thiểu rủi ro.
Thông qua Open API, các doanh nghiệp, tập đoàn, fintech, công ty phần mềm có thể đẩy mạnh dịch vụ, chủ động thực hiện lệnh thanh toán, chuyển tiền... qua OCB nhanh chóng, ít rủi ro và giảm thiểu chi phí. Những tiện ích này có thể thực hiện được ngay trên hệ thống quản lý của tổ chức, doanh nghiệp.
Sản phẩm dịch vụ thực hiện qua Open API khá đa dạng gồm mở tài khoản, chuyển tiền, truy vấn thông tin, tính năng xác thực... OCB cũng mở rộng sản phẩm dịch vụ thông qua Open API theo nhu cầu của từng khách hàng.
Nhà băng cũng kết nối và tích hợp Open API sản phẩm dịch vụ của đối tác vào hệ thống OCB Omni. Khách hàng được tiếp cận nhiều sản phẩm như mua bảo hiểm (du lịch, xe máy, sức khỏe...) hay đầu tư chứng chỉ quỹ VinaCapital ngay trên ứng dụng. Open API còn cung cấp dịch vụ tài chính của các công ty Fintech như UrBox, mang đến giá trị cộng thêm cho khách hàng thông qua chương trình tích điểm đổi quà. Với sự kiên định trong định hướng chuyển đổi số, OCB đang làm dày các trải nghiệm khách hàng, số hóa dịch vụ ngân hàng, mở rộng và đem lại nhiều tiện ích cho người dùng.

Khách hàng giao dịch tại OCB. Ảnh: OCB.
Sắp tới ngân hàng sẽ triển khai cuộc thi Open API Challenge quy mô toàn quốc, hướng tới các công ty fintech, công ty cung cấp giải pháp ERP, tổ chức, doanh nghiệp đa lĩnh vực nhằm tìm kiếm giải pháp mang tính đột phá cho sản phẩm tiết kiệm online hay mở rộng dịch vụ thanh toán. Vòng sơ loại và tuyển chọn của cuộc thi Open API Challenge dự kiến bắt đầu từ tháng 9 trên toàn quốc. Vòng phỏng vấn và chung kết sẽ diễn ra tại TP HCM.
Thông qua cuộc thi, OCB kỳ vọng tìm thấy những đối tác hàng đầu cùng hoàn thiện mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh số hóa ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam, đem đến những giải pháp tài chính ưu việt cho khách hàng. Ngân hàng sẽ xúc tiến hợp tác với nhiều đối tác, mở rộng hệ sinh thái để khách hàng được hưởng nhiều tiện ích trên kênh online, đặt mục tiêu trở thành lựa chọn đầu tiên của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ tài chính trong mua sắm, học hành hay du lịch.
Xu hướng phát triển ngân hàng số và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đang tạo những thay đổi về giá trị cho các chủ thể tham gia. Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đa số các ngân hàng đều coi chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động. Trong đó, 96% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược phát triển dựa trên công nghệ hiện đại, 92% đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên Internet và Mobile.
Thanh Di