Một con ốc sên bùn New Zealand chỉ nhỏ như đầu bút chì. Ảnh: Livescience. |
Ốc sên bùn New Zealand (Potamopyrgus antipodarum) là loài động vật nhỏ xíu, với kích thước cơ thể chỉ bằng đầu chiếc bút chì, nhưng chúng đang “xâm lược” địa cầu, Livescience cho biết. Từ New Zealand, chúng đã bành trướng rất xa, qua các dòng sông, hồ và suối ở châu Âu. Tại Mỹ, nơi chúng không gặp bất kỳ động vật săn mồi hay ký sinh trùng nào, chúng đã chiếm ưu thế so với những loài ốc sên bản địa và côn trùng trong cuộc chiến tranh giành thức ăn. Người ta coi chúng là động vật xâm lấn.
Điều gì khiến ốc sên bùn New Zealand trở thành một loài xâm lấn thành công? Một trong những nguyên nhân là khả năng sinh sản nhanh và nhiều của chúng. Ốc sên cái có thể đẻ tới 230 con mỗi năm mà không cần tới con đực. Giờ đây, một nghiên cứu cho thấy ốc sên bùn New Zealand có thể sống sót mà không uống nước trong hai ngày. Khả năng này cho phép chúng bám vào chim, dụng cụ bắt cá hay động vật trên cạn để tới những vùng đất mới.
Alvaro Alonso and Pilar Castro-Diez, hai nhà nghiên cứu của Đại học Alcala tại Tây Ban Nha, tạo ra môi trường không nước trong phòng thí nghiệm rồi thả ốc sên New Zealand vào đó để xem chúng sống sót trong bao lâu. Họ nhận thấy rằng sau 48 giờ, lũ ốc sên trở nên bất động, song chúng hồi sinh ngay sau khi tiếp xúc với nước.
Từ kết quả thí nghiệm, hai nhà khoa học đã đề xuất một số biện pháp để ngăn chặn sự bành trướng của ốc sên bùn. Thứ nhất, các dụng cụ để bắt cá nên được tiếp xúc với không khí trong ít nhất 50 giờ nếu con người thường xuyên sử dụng chúng ở các ngư trường khác nhau. Thứ hai, con người nên sử dụng các vật chắn hoặc những phương thức khác (như dựng bù nhìn) để ngăn chặn vật nuôi hoặc thú hoang tới các nguồn nước chứa ốc sên bùn.
Minh Long