![]() |
Obama đứng cạnh Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner khi ông này đọc tuyên bố về điều luật mới hôm thứ Tư. Ảnh: AP |
Quyết định của Tổng thống Barack Obama được đưa ra sau khi dư luận kịch liệt phản đối các tập đoàn lớn dành ra nhiều khoản tiền khổng lồ để thưởng cho giới lãnh đạo. Trong khi chỉ mới cách đó không lâu những đại gia này than nghèo kể khổ để được Chính phủ bơm nhiều tỷ USD trợ cấp, khoản tiền do người dân đóng thuế mà có. Đặc biệt, sự kiện các tập đoàn Phố Wall chi đến 18 tỷ USD làm tiền thưởng năm 2008 cho giới lãnh đạo khiến dân chúng phẫn nộ.
Barack Obama đã gọi hành động tại Phố Wall là một việc làm hết sức đáng xấu hổ. Ông nói: “Đây là một hành vi khiếm nhã trong thời buổi khủng hoảng kinh tế. Đó là thứ văn hóa tư lợi cá nhân hẹp hòi và thể hiện tư duy ngắn hạn. Người dân trên toàn đất nước không khỏi cảm thấy rằng những người này không hề có trách nhiệm với cơn khủng hoảng đang đè nặng gánh trên vai hàng triệu triệu người khác. Và tôi quyết sẽ không khoan nhượng cho việc này. Nếu Chính phủ đã cung cấp tiền cứu trợ thì cũng có quyền đặt ra một số hạn chế trong việc chi tiêu. Chỉ có như thế, những hành động đáng xấu hổ như thế này mới không còn tái diễn trong những lần nhận tiền cứu trợ khác”.
Tổng thống nói: "Đây là nước Mỹ. Chúng ta không lên án sự giàu có. Chúng ta không ghen tị khi ai đó đạt được thành công. Nhưng cái làm người dân phiền lòng là các nhà lãnh đạo cấp cao đó đã được thưởng cho vai trò kém cỏi họ thể hiện trong cuộc khủng hoảng. Đặc biệt là khi những khoản tiền thưởng chảy vào túi họ là từ túi của những người đóng thuế mà ra”.
Theo bản kế hoạch này, những công ty nào muốn trả lương cho lãnh đạo hơn nửa triệu USD sẽ phải trả bằng chứng khoán. Giới lãnh đạo không thể bán chúng lấy tiền cho đến khi công ty hoàn lại cho Chính phủ đầy đủ khoản tiền cứu trợ đã vay. Điều luật này sẽ được Bộ Tài chính thông qua mà không cần đợi sự đồng ý từ Quốc hội.
Luật cũng cho phép các cổ đông của ngân hàng có nhiều tiếng nói hơn về việc lương thưởng của lãnh đạo. Đồng thời các khoản chi khác như lễ hội, kỳ nghỉ hay nâng cấp văn phòng cũng phải đưa ra công khai. Các công ty phải áp dụng chính sách tiết kiệm trong việc mua máy bay, nâng cấp văn phòng và chi tiêu cho giải trí.
Hạn mức này sẽ được áp dụng cho các tập đoàn tài chính đang đàm phán với Chính phủ để xin khoản tiền viện trợ khẩn cấp. Còn những ngân hàng nào đã được nhận tiền từ khoản chi 350 tỷ USD, nửa đầu của gói bảo lãnh 700 tỷ USD sẽ thoát khỏi hạn mức trên. Trong tương lai không lâu, Obama sẽ còn áp dụng chính sách hạn chế tiền thưởng cho cả các công ty không nhận tiền trợ cấp của Chính phủ.
Trước điều luật khác thường này, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Claudia Allen, một quản lý cấp cao tại Hãng luật Gerber & Eisenberg nói: “Điều làm chúng tôi băn khoăn nhất là liệu điều luật này có làm cho việc tuyển dụng và giữ chân nhân viên cấp cao có trở nên khó khăn hơn hay không”. Cô cho rằng mức lương nửa triệu USD là một con số khá khiêm tốn.
Nhiều chuyên gia cảnh báo điều luật này sẽ khiến các lãnh đạo cảm thấy không được khuyến khích sẽ làm việc không nhiệt tình, do đó quá trình phục hồi có thể sẽ bị chậm lại. Họ cũng lo ngại rằng đây sẽ là tiền lệ của việc trả lương không tương xứng với năng lực.
Còn Thượng nghị sĩ Claire McCaskill và Bernard Sanders thì đề xuất rằng không một nhân viên hay lãnh đạo nào tại các tập đoàn nhận tiền trợ cấp sẽ có mức lương quá 400.000 USD, cho đến khi họ trả lại đầy đủ những khoản tiền mà họ đã vay Chính Phủ. Con số đề xuất này bằng với lương của Tổng thống Mỹ.
Tổng thống cho biết đây mới chỉ là bước đầu. Tuần sau ông sẽ tiếp tục đưa ra nhiều hạn chế trong việc chi tiêu 700 tỷ tiền bảo lãnh mà Quốc hội đã thông qua hồi cuối năm ngoái. Obama cũng sẽ thi hành nhiều cải tổ khác trong tương lai., và Chính quyền sẽ giám sát việc trả lương thưởng cho các lãnh đạo, nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu có thể gây ra cho hệ thống tài chính.
Thanh Bình (theo AP, Bloomberg)