"Đây không phải một cuộc Chiến tranh Lạnh mới", Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua trong phát biểu về các biện pháp trừng phạt đối với Nga tại Nhà Trắng. "Đây chỉ là vấn đề riêng biệt, liên quan đến việc Nga thiếu thiện chí trong công nhận Ukraine có thể tự vạch ra hướng đi riêng".
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực tài chính, quốc phòng, năng lượng trong nền kinh tế Nga. Theo ông Obama, những biện pháp này "sẽ tác động lớn hơn tới kinh tế Nga so với những gì chúng ta đã chứng kiến", buộc Moscow phải ngừng ủng hộ phe ly khai ở Ukraine.
Thông báo của Tổng thống Obama được đưa ra chỉ vài giờ sau khi lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng quyết định tăng trừng phạt Nga. Khác với Washington, EU có lợi ích kinh tế với Nga lớn hơn nên khối này phải mất nhiều tháng mới có thể đưa ra quyết định trừng phạt.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết các biện pháp trừng phạt được xem như một "lời cảnh báo mạnh mẽ" rằng hành động việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3 là không thể chấp nhận và khiến kinh tế Nga phải "trả giá nặng nề".
"Gây bất ổn cho Ukraine hay bất kỳ quốc gia Đông Âu láng giềng nào khác sẽ phải trả giá nặng nề", tuyên bố của EU có đoạn.
"Liên minh châu Âu sẽ thực hiện nghĩa vụ bảo vệ và đảm bảo an ninh cho công dân. Liên minh châu Âu đứng về phía các quốc gia láng giềng và đối tác", thông báo chung của hai nhà lãnh đạo châu Âu cho hay. Một số nhà ngoại giao EU giấu tên cho biết các biện pháp trừng phạt có thể tăng cao trong trường hợp cần thiết.
Các trừng phạt mới làm trầm trọng thêm quan hệ giữa Nga với phương Tây, vốn đang ở mức căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Phương Tây tin rằng Nga can thiệp vào tình hình bất ổn ở Ukraine, trong khi đó Moscow phủ nhận cáo buộc này.
Như Tâm