"Nga là một cường quốc khu vực đang đe dọa một số nước láng giềng sát với họ của họ, không phải bằng sức mạnh mà bằng sự yếu kém", Tổng thống Obama hôm qua phát biểu sau hội nghị hạt nhân ở Hà Lan, nơi ông gặp các đồng minh thân cận trong nhóm G7 để bàn về cách đối phó với Nga trong vấn đề Ukraine.
Ông Obama cũng bác bỏ tuyên bố của ông Mitt Romney rằng Nga là đối thủ địa chính trị lớn nhất của Mỹ. Ông Romney là đối thủ của ông Obama trong chiến dịch tranh cử năm 2012.
"Họ không gây ra mối đe dọa an ninh số một đối với nước Mỹ", Washington Post dẫn lời ông Obama cho biết. "Tôi sẽ quan ngại nhiều hơn khi nói đến an ninh của chúng ta trong trường hợp một vũ khí hạt nhân phát nổ ở Manhattan".
Tổng thống Obama bảo vệ cách phản ứng của ông đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, bác bỏ chỉ trích cho rằng sự yếu kém của Washington ở nước ngoài đã khiến Crimea được sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, ông Obama cũng nói rõ rằng sẽ không có phản ứng quân sự, trừ khi ông Putin gây sức ép với các quốc gia thành viên NATO ở biên giới phía tây của Nga.
"Không kỳ vọng họ sẽ bị đánh bật ra bằng vũ lực", Obama nói trong cuộc họp báo với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân. "Vì vậy, điều chúng ta có thể đem lại là những tranh luận pháp lý, tranh luận ngoại giao, sức ép chính trị, trừng phạt kinh tế hiện có, nhằm cố gắng đảm bảo rằng quá trình đó phải bị trả giá", ông Obama cho biết.
Tại The Hague, Hà Lan, ông Obama đang kêu gọi sự ủng hộ của châu Âu nhằm trừng phạt Nga thêm nếu ông Putin mở rộng chiến dịch quân sự sang phía đông Ukraine hoặc Moldova.
Với tuyên bố "quan ngại về sự xâm lấn tiếp theo của Nga vào Ukraine", ông Obama cảnh báo "thêm những đòn trừng phạt và những cái giá phải trả khác, nếu Nga có bước tiếp theo này". Những đòn trừng phạt khu vực sẽ "ảnh hưởng tới toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Nga", như năng lượng, tài chính, buôn bán vũ khí hoặc thương mại, ông Obama cho biết.
"Có con đường khác cho Nga", tổng thống Mỹ nói và hối thúc Moscow đàm phán với chính phủ lâm thời Ukraine, rút quân khỏi biên giới với Ukraine và chấp nhận cuộc bầu cử vào tháng 5 tới, trong đó "cho phép người Ukraine chọn người lãnh đạo họ".
Trọng Giáp