Các quan chức Mỹ đưa ra thông tin trên, cho hay tranh luận trong chính quyền Mỹ diễn ra khi hai nước đang chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Obama cuối tháng này, theo Reuters.
Theo một số trợ lý của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này có thể "còn sớm". Tuy nhiên, một số người khác, hầu hết là từ Lầu Năm Góc, cho rằng việc giúp Việt Nam tăng cường năng lực trước sự gia tăng các hành động phi pháp của Trung Quốc nên là điều ưu tiên.
Trong Bộ Quốc phòng Mỹ, các quan chức có xu hướng đồng thuận quan điểm với tuyên bố của Bộ trưởng Ash Carter nêu ra trong cuộc họp quốc hội tháng trước, ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao cũng nhận thấy có dấu hiệu gia tăng từ Việt Nam về việc muốn tìm kiếm các nhà thầu quốc phòng. Việt Nam có thể mua các thiết bị quốc phòng của Mỹ như máy bay giám sát P-3, tên lửa để tăng cường năng lực của hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển.
Ông Obama có thể đưa ra quyết định cuối cùng một phần dựa trên gợi ý của ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, đang thăm Việt Nam. Chưa rõ tổng thống Mỹ sẽ thể hiện sự ủng hộ hay phản đối việc dỡ bỏ trước hay sau chuyến thăm Việt Nam của ông.
Giới quan sát cho rằng việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí có thể xóa sạch một trong những vết tích lớn còn sót lại sau Chiến tranh Việt Nam, và tăng cường thêm mối quan hệ bình thường hóa kéo dài 21 năm qua.
Chính quyền của ông Obama hồi tháng 10/2014 đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Tăng cường an ninh của các đối tác là một điểm chính trong chiến lược xoay trục của tổng thống Mỹ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một trọng tâm trong chính sách ngoại giao của ông.
Khánh Lynh