Ông Barack Obama nói chuyện điện thoại tại văn phòng ở Chicago sau khi đắc cử. Ảnh: Reuters. |
Lời phủ nhận trên do cố vấn về chính sách đối ngoại của ông Obama là Denis McDonough đưa ra. Đây là phản ứng chính thức từ phía bộ máy của Obama sau khi văn phòng Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski khẳng định hôm thứ bảy rằng, cam kết được xác nhận sau một cuộc điện đàm giữa Obama và Kaczynski.
Tổng thống Ba Lan tuyên bố trên trang web chính thức của mình rằng ông Obama đã "nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Ba Lan - Mỹ và bày tỏ hy vọng tiếp tục sự hợp tác về quân sự và chính trị giữa hai nước. Ông cũng cho rằng dự án về phòng thủ tên lửa sẽ được tiếp tục".
Khi được hỏi về cuộc điện đàm này, cố vấn Denis McDonough cho biết tổng thống đắc cử Obama đã có "cuộc trao đổi tốt đẹp" với ông Kaczynski xung quanh quan hệ đồng minh Mỹ - Ba Lan. Ông xác nhận hai người có thảo luận về hệ thống phòng thủ tên lửa nhưng "không đưa ra bất cứ cam kết nào".
"Quan điểm của ông Obama cũng giống như trong suốt quá trình tranh cử rằng, ông ấy ủng hộ việc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa khi công nghệ chứng tỏ nó có thể hoạt động tốt", McDonough cho biết thêm.
Trước đây khi còn là ứng viên tổng thống, ông Obama mong muốn xem xét lại hệ thống trên để đảm bảo nó vừ hoạt động hiệu quả vừa không tạo cảm giác nhắm vào nước Nga. Trong khi đó Nga kịch liệt phản đối kế hoạch này của Washington và tuyên bố sẽ đưa tên lửa tới sát biên giới Ba Lan để đáp trả.
Mỹ luôn khẳng định hệ thống của họ không đủ khả năng chặn các hỏa tiễn của Nga và nó được thiết kế chỉ nhằm đối phó với các nước như Iran. Nhưng Matxcơva nhìn nhận việc Washington triển khai 10 quả tên lửa đánh chặn tại Ba Lan và hệ thống radar tại Czech phục vụ cho hệ thống này là mối đe dọa về an ninh đối với họ.
Đình Chính (theo BBC, AP)