Ngoài hai con riêng với người chồng đầu, Oanh Yến và bạn trai - doanh nhân Tân Long (tên thật Nguyễn Quang Tấn) - có 4 con chung. Họ hiện chuyển về sống tại nông trại 40 ha ở ấp Suối Dzui, xã Túc Trưng, huyện Định Quán, Đồng Nai.
- Hơn nửa năm về nông thôn, chị thấy thế nào?
- Rất thú vị. Tôi thích cuộc sống nơi đây, không khí trong lành, có thể nghe rõ tiếng chim hót, gà gáy sớm mai... Mỗi sáng thức dậy, tôi đội nón, đi ủng tưới cây, cho gia súc ăn. Tôi nuôi rất nhiều bồ câu, cá, gà và thành công với những mẻ nấm mối đầu tiên. Tôi và bạn trai còn học cách nuôi tằm, làm đông trùng hạ thảo, chăm nấm linh chi. Trước đây ở thành phố, mở mắt dậy tôi phải lo đủ thứ tiền, cuộc sống xô bồ cuốn trôi thời gian. Nhưng về vùng quê, tôi không còn nghĩ nhiều đến tiền bạc. Hôm nay không đi làm, tôi vẫn đủ nguyên vật liệu sống qua ngày, mai ăn rau, ngày mốt bắt gà làm thịt.
Tiền điện khá rẻ, nước uống có thể lọc sạch từ nước sông. Hàng xóm nơi đây rất thân thiện. Cô chú đối diện nói vợ chồng tôi thích ăn cam, quýt thì cứ qua hái thoải mái và thường mang cho gia đình tôi món này, món kia. Tôi trân quý và hạnh phúc vì được sống trong sự yêu thương, tình làng xóm ấm áp.
- Việc chuyển chỗ ở ảnh hưởng gì đến gia đình chị?
- Trừ bé đầu Henry Nguyễn đang học lớp ba ở TP HCM, 5 bé sau đều sống cùng chúng tôi ở nông trại. Mỗi cuối tuần, gia đình tôi đón Henry về quê, sáng thứ hai chở con lên đi học.
Cuộc sống ở nông thôn khiến gia đình tôi thay đổi cả về nhận thức lẫn thói quen. Nhiều bạn bè không nhận ra vì da tôi đen sạm, rắn rỏi hơn trước. Tôi học được cách làm nông, hiểu nỗi vất vả của nông dân. Giờ đây, tôi có thể kể cách chăm sóc những luống rau mầm, khoai lang, xà lách, khóm hoa mười giờ...
Dù đôi lúc nắng cháy da thịt, các con tôi năng động hơn. Các bé nhận biết được nhiều con vật trước đó ít thấy như: trâu, bò, ba ba, cá sấu, chim bồ câu... Tôi còn tập cho các con trồng cây, hái rau, bắt cá. Tôi muốn các con trải nghiệm cuộc sống đa dạng - sung túc ở TP HCM, khổ cực ở nông thôn. Sau này lớn lên, ở môi trường nào, các con cũng có thể thích nghi.
- Chị phân chia chăm sóc 6 con ra sao?
- Một mình tôi không thể chăm hết 6 bé, vì thế tôi thuê thêm bốn vú nuôi hỗ trợ. Với bé út tròn 6 tháng tuổi, tôi không quá vất vả vì con ngoan, ít quấy khóc. Tuy nhiên, bé thiệt thòi hơn các anh chị vì không được bú sữa mẹ. Tôi sinh mổ và triệt sản luôn vài tháng trước, vì thế bị tắc sữa.
Dù các vú chăm bẵm rất tốt nhưng tôi vẫn theo sát con từng bước. Tôi không chia mỗi bé một phòng riêng mà xếp chúng nằm sát nhau để mọi hoạt động của con đều trong tầm mắt mình. Tôi chủ trương để con tự do phát triển và không nuông chiều.
- Lý do chị quyết định triệt sản?
- Tôi triệt sản để lo chu toàn cho các con. Dù bạn trai nói thương và lo cho mẹ con tôi, tôi vẫn phải chủ động kinh tế, tài chính. Trong 9 tháng 10 ngày thai kỳ, tôi không thể làm việc nặng, không thể một tay xách các con nhỏ, một tay ôm bụng bầu đi làm.
Vì không muốn áp lực, mỗi lần sinh con, tôi phải bán một căn nhà. Giờ số nhà của tôi còn ít, không nhiều như trước. Tôi nghĩ nếu sinh thêm nữa, tình cảnh sẽ khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Tôi đâu còn nhà hay tài sản gì để bán. Quyết định triệt sản khó khăn nhưng đúng đắn. Sau này, tôi tập trung "cày" để lo cho các con.
- Bạn trai đối xử với hai con riêng của chị thế nào?
- Tôi ly hôn khi Henry Nguyễn (sinh năm 2012) và Gia Minh (2015) còn bé. Sau đó chồng cũ của tôi bất ngờ qua đời, Tân Long xuất hiện, cùng tôi san sẻ buồn vui. Lúc ấy các con như một tờ giấy trắng, không biết chuyện cha dượng hay ruột, mà chỉ biết Long là cha.
Bạn trai tôi hiền, thương sáu con như nhau, không phân biệt con chung hay con riêng. Anh thậm chí còn chiều hai bé đầu hơn cả 4 con chung: Gia Mỹ (2017), Gia Đức (2018), Như Ý (2019) và Quang Nhật (4/2020).
- Kế hoạch sắp tới của chị?
- Tôi ấp ủ nhiều dự định, ban đầu trồng rau nuôi cá để ăn. Tuy nhiên nếu tìm được đầu ra, tôi sẽ phát triển hệ thống chuồng trại, cung cấp nông sản sạch cho các tỉnh thành. Tôi có thể sống hết đời ở nông trại, nhưng tương lai con cái cần có môi trường học hành tốt. Chúng tôi sẽ để con sống ở thành phố, cuối tuần về thăm cha mẹ.
Thiên Lam