Theo Guardian, ngày 18/6, gia đình cho biết ca sĩ mất tại nhà riêng ở hạt Đông Sussexh. Thủ tướng Boris Johnson gửi lời chia buồn trên Twitter: "Sự quyến rũ đến ma mị của giọng hát Vera Lynn mở đường và nâng đỡ cả nước Anh qua giai đoạn đen tối. Các ca khúc của bà sẽ sống mãi, tiếp tục khiến hàng triệu con tim nhiều thế hệ thổn thức".
Vera Lynn sinh năm 1917 tại ngoại ô London, trong một gia đình thợ mộc. Từ năm bảy tuổi, bà bắt đầu hát kiếm tiền tại một số quán rượu địa phương. Trưởng thành, Lynn bắt đầu phát hành những ca khúc đầu tiên, trong khi ban ngày làm công nhân tại một nhà máy đóng tàu.
Đến Thế chiến thứ hai, Vera Lynn thu hút sự chú ý với các buổi diễn nhỏ cho người dân trong các hầm trú ẩn ở London. Bà được mời biểu diễn cho binh sĩ Anh tại nhiều chiến trường như Ấn Độ, Ai Cập và Myanmar, dần được đặt biệt danh "Forces Sweetheart" (Nàng thơ quân đội).
Một cựu chiến binh người Anh tưởng nhớ bà trên Youtube: "Ngày đó, các binh đoàn thường dự buổi diễn của Vera Lynn trước khi ra nước ngoài chiến đấu. Một số họ đối mặt nguy cơ không toàn mạng trở về. Những ca khúc của bà cho họ dũng khí để đối đầu với số phận và hiểu rằng sự hy sinh của mình có ý nghĩa với quê hương".
Vera Lynn gây ấn tượng với giọng ca giàu nội lực, cao vút và những bài hát mang tinh thần lạc quan, đề cao lòng yêu nước. Các ca khúc nổi tiếng nhất của bà gồm We'll Meet Again, The White Cliffs of Dover, A Nightingale Sang in Berkeley Square và There'll Always Be an England.
Trong các buổi diễn, Vera Lynn mang theo chiếc piano nhỏ, hát tại nhiều điểm đóng quân như doanh trại, rừng, núi. Năm 2017, bà nói với Guardian: "Biểu diễn trong thời chiến rất vất vả. Sân khấu nóng và không sạch sẽ. Tôi thường phải di chuyển qua nhiều địa hình hiểm trở và mong các nhạc cụ không hỏng trên đường đi".
Sau chiến tranh, Vera Lynn tiếp tục có sự nghiệp âm nhạc thành công tại Anh, có nhiều bản hit bán chạy. Năm 2009, bà lập kỷ lục người cao tuổi nhất có album đứng đầu bảng xếp hạng quốc gia này. Vera Lynn cũng được yêu thích vì tích cực tham gia hoạt động nhân đạo vì cựu chiến binh, phụ nữ và trẻ em.
Đạt Phan (theo Guardian)