Hong Kong hôm 18/1 ghi nhận 107 ca nhiễm nCoV mới trong bối cảnh giới chuyên gia kêu gọi chính quyền xét nghiệm tất cả nhân viên nhà hàng và nhân viên bán lẻ tại quận Yau Tsim Mong, ổ dịch lớn nhất hiện nay.
Ngày 15/1, nhà chức trách phong tỏa 4 tòa chung cư ở số 20, 22, 24, 26 dọc đường Reclamation thuộc quận Yau Tsim Mong, nơi có số ca nhiễm mới gia tăng.
Được xây dựng cách đây 50 năm, 4 tòa nhà chung cư được phong tỏa là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Những căn hộ được chia nhỏ thành nhiều phòng với không gian chỉ đủ kê một chiếc giường và treo ít quần áo. Các phòng phân cách bởi các "bức tường" tạm thời hoặc di động. Phòng tắm, nhà bếp được sử dụng chung.
Các tòa chung cư cũ ở Hong Kong đã bộc lộ những điểm yếu của đặc khu trong công cuộc chống dịch Covid-19. Do là nơi tập trung đông dân cư, có hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp, những khu chung cư này đứng trước nhiều rủi ro. "Có rất nhiều tòa chung cư lâu năm ở Hong Kong có nguy cơ trở thành ổ dịch. Chỉ cần một người nhiễm virus sống tại đó, cả tòa nhà có thể thành ổ siêu lây nhiễm", giáo sư Joseph Tsang Kay-yan, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, cho biết.
Giới chuyên gia bày tỏ quan ngại về phản ứng chậm trễ trước sự lây lan tại các khu chung cư cũ ở quận Yau Tsim Mong, dù chính quyền đã tiến hành xét nghiệm nCoV bắt buộc cho toàn bộ cư dân của các tòa nhà.
Toàn bộ cư dân tòa nhà số 26 được xét nghiệm sàng lọc vào ngày 8/1, sau khi hai người mắc Covid-19. Một trường hợp mới được báo cáo tại tòa nhà số 20 hai ngày sau đó, tiếp theo là 7 ca nhiễm khác tại số 26 vào ngày 11/1. Công tác xét nghiệm nCoV được tiến hành cho dân cư cả 4 tòa nhà liền nhau vào ngày 12/1.
Hơn 90 cư dân đã di tản vào ngày 14/1, các chuyên gia đến để kiểm tra hệ thống nước thải có phải là nguồn gây lây nhiễm hay không. Giáo sư Tsang cho biết tại những nơi có mật độ dân cư cao, cơ sở vật chất xuống cấp, tất cả người dân cần được xét nghiệm ngay khi chỉ có một trường hợp mắc Covid-19. Ông đề xuất chính quyền Hong Kong chủ động hơn bằng cách theo dõi thường xuyên hệ thống nước thải tại các tòa chung cư cũ.
Theo bác sĩ Leung Chi-chiu, chuyên gia hô hấp, chính quyền đã thiếu quan tâm đối với các khu chung cư lâu năm. Theo thống kê dân số năm 2016, Yau Tsim Mong là nơi có người dân tộc thiểu số tập trung đông nhất trong số 18 quận, chiếm 9,1% trên tổng số 580.000 người ở Hong Kong.
Hong Kong Unison, một tổ chức phi chính phủ tập trung vào quyền của các nhóm dân tộc thiểu số, thừa nhận thông tin liên lạc với người dân là một vấn đề kể từ khi dịch bùng phát vào đầu năm 2020. Sở Nội vụ cho biết họ đã trao đổi thông tin với 8 trung tâm hỗ trợ người dân tộc thiểu số, đồng thời thuê nhân viên có thể giao tiếp với người dân bằng các ngôn ngữ như tiếng Urdu và tiếng Nepal đến các điểm thanh tra.
Những cư dân tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19 được cách ly. Sau khi chính quyền Hong Kong nhận một số chỉ trích về phản ứng chậm trong vụ việc ở chung cư đường Reclamation, nhiều người đặt câu hỏi về các quy định trong tòa nhà nơi có người mắc Covid-19. Trả lời vấn đề này, giáo sư David Hui Shu-cheong, một cố vấn chính phủ về đại dịch, cho biết: "Các nguyên tắc cần được dựa trên trường hợp cụ thể và đánh giá về các yếu tố môi trường. Không có giải pháp đơn giản nào cho việc này".
Đến nay, Hong Kong ghi nhận 9.557 ca Covid-19 và 162 ca tử vong.