Bác sĩ Phùng Thị Hằng, Trưởng khoa Nội, ngày 19/7 cho biết, kết quả nội soi phát hiện nhiều con sán lá kích thước hai đến ba cm đang di chuyển trong tá tràng người bệnh. Bác sĩ phải dùng rọ gắp hết dị vật ra ngoài. Tuy nhiên, đây là một ổ lớn có rất nhiều sán lá, bác sĩ không thể nào gắp hết. Người bệnh được chỉ định nhập viện và tẩy sán theo phác đồ.
Sán lá ruột lớn (Fasciolopsis buski) bình thường ký sinh trong tá tràng của lợn nhưng có thể gặp ở người dưới dạng trưởng thành, ký sinh trong ruột non, bám vào niêm mạc ruột hoặc lặn trong dịch nhầy. Trứng sán theo phân ra môi trường có giai đoạn phát triển trong ốc, sẽ nở thành ấu trùng và bám vào các thực vật thủy sinh.
Người nhiễm sán thường do ăn các cây thực vật thủy sinh còn sống hoặc chưa nấu chín như củ ấu, rau ngổ, ngó sen, rau muống... có chứa nang trùng sán. Từ khi nang trùng xâm nhập vào cơ thể đến khi phát triển thành con trưởng thành mất khoảng ba tháng. Số lượng sán có thể từ vài con đến vài nghìn con. Các trường hợp này gặp nhiều ở những vùng nuôi lợn, có nhiều ao, hồ và sử dụng thực vật nước ngọt. Việt Nam cũng là vùng dịch tễ của bệnh.
Khi bị nhiễm sán lá ruột, người bệnh có thể có các dấu hiệu như mệt mỏi, uể oải, sụt cân, thiếu máu. Một số đau bụng tiêu chảy bất thường, rối loạn tiêu hóa, bụng bị chướng. Nếu để các triệu chứng này kéo dài, người bệnh sẽ có thể bị phù toàn thân, phù mặt, phù thành bụng, phù chân, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, cổ trướng, thậm chí có thể tử vong do suy kiệt. Bên cạnh đó, nhiễm một số lượng lớn sán có thể dẫn đến tắc ruột hoặc thủng ruột.
Để phòng tránh sán lá ruột nói riêng và các loại sán khác nói chung có thể đi vào cơ thể, người dân cần tránh ăn sống các thực vật, ăn chín uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh,... và giữ vệ sinh môi trường sống.
Không đi đại tiện xuống ao, hồ... Quản lý nguồn phân khi chăn nuôi lợn, bò, không cho thải ra ao, hồ. Khi có các triệu chứng như mệt mỏi đi kèm tiêu chảy, sụt cân thất thường, nên đến bác sĩ kiểm tra, điều trị sớm.
Thùy An