Việc con tôi có quốc tịch Mỹ, đã thôi quốc tịch Việt Nam, gây khó khăn gì cho việc hưởng thừa kế? (Phương Loan).
Luật sư tư vấn
Theo Điều 624 Bộ luật dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Dù thế nào, ý nguyện cuối cùng của người để lại di chúc cũng được tôn trọng và thực hiện. Vì vậy, dù người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay người nước ngoài, pháp luật nước ta luôn công nhận, miễn là di chúc hợp pháp.
Tuy nhiên, vì một số lý do mang tính chất xã hội nên người nhận di sản ở nước ngoài có một số hạn chế như sau:
Con trai bà đã thôi quốc tịch Việt Nam. Căn cứ theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 thì con bà là người nước ngoài.
Trong khi đó, Điều 5 Luật đất đai 2013 quy định, người nước ngoài không là đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này. Do vậy, nếu di sản thừa kế là bất động sản, cụ thể là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, thì con trai bà chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.
Theo đó, bà hoàn toàn có thể lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho con trai mình. Nhưng con trai bà chỉ được hưởng giá trị mà không được trực tiếp sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Giá trị của di sản thừa kế mà con bà được hưởng có thể được chuyển ra nước ngoài theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối. Cụ thể, con bà có thể liên hệ với ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối để làm thủ tục chuyển, mang ngoại tệ (có được do thừa kế) ra nước ngoài.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha