Nghiên cứu công bố vào tuần trước trên Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) được thực hiện bởi Đại học Hải dương Thượng Hải, do chuyên gia Xu Yunping dẫn đầu, phối hợp với các cộng tác viên quốc tế.
Bằng cách sử dụng thiết bị lặn điều khiển xa do Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Hadal thuộc Đại học Hải dương Thượng Hải tự phát triển, các nhà nghiên cứu đã thu thập được nhiều mẫu trầm tích từ vùng Hadal, còn được gọi là vùng biển khơi tăm tối, bao gồm những rãnh sâu nhất của đại dương cách bề mặt nước biển từ 6.000 đến 11.000 m, trong đó có cả rãnh Mariana.
Phân tích mẫu cho thấy vùng Hadal đang tích tụ thủy ngân với tốc độ cao đáng kể, lớn hơn mức trung bình của biển sâu toàn cầu. Hầu hết thủy ngân có nguồn gốc từ đại dương bề mặt.
Nghiên cứu cũng chỉ ra nồng độ thủy ngân trong các vùng lõi của rãnh có xu hướng tăng nhanh từ trước năm 1900 đến sau năm 1950. Nguyên nhân chính là do phát thải thủy ngân từ các nguồn nhân tạo đổ ra biển.
Vùng Hadal là một bể chứa thủy ngân lớn của đại dương và có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chu trình sinh hóa toàn cầu.
Đoàn Dương (Theo Xinhua)