Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 công bố ngày 29/9 cho thấy, chất lượng không khí ở các đô thị lớn chưa cải thiện nhiều so với năm 2006-2010. Trong đó ô nhiễm bụi có xu hướng duy trì ngưỡng cao, đặc biệt ở Hà Nội và địa phương hoạt động công nghiệp mạnh.
Cụ thể, nồng độ bụi PM10 tại trạm Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) trong 5 năm đều vượt quy chuẩn 1-1,2 lần, năm 2014 chỉ số này gấp 1,4 lần. Trạm quan trắc Hồng Hà (Hạ Long, Quảng Ninh) ghi nhận nồng độ PM10 cao gấp 1,2 lần. PM10 là các hạt bụi có đường kính động học ≤10µm (micrômét).
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) cũng khá cao, nhiều đô thị lớn ở mức 201-300, có ngày chất lượng suy giảm đến ngưỡng xấu và nguy hại. Theo thang đánh giá với tác động sức khỏe con người, nếu chỉ số AQI ở mức 51-200 thuộc nhóm nhạy cảm với ô nhiễm môi trường nên hạn chế ở bên ngoài; với AQI trên 300 mọi người nên ở nhà.
Theo đại diện Tổng cục môi trường, bụi và khí thải từ hoạt động giao thông đô thị vẫn là nguồn ô nhiễm chính. Chỉ số NO2 đo được ở các đô thị đang vượt ngưỡng giới hạn. Nồng độ NO2 trung bình các năm tại Hà Nội tăng 1-1,3 lần. Trạm quan trắc khu thương mại Quách Thị Trang (TP HCM) ghi nhận đã vượt tới 2 lần.
Việc khai thác than và nhiệt điện khiến chỉ số NO2 gấp 1,2 lần qua các năm ở Hạ Long (Quảng Ninh). Một số khu dân cư ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc chỉ số này tăng 1-1,5 lần.
Không chỉ ở đô thị, chất lượng không khí ở khu sản xuất công nghiệp, làng nghề và nông thôn cũng ở bức báo động. Trong đó, bụi lơ lửng (TSP) ở khu công nghiệp vượt miền Bắc cao hơn so với miền Nam. Nguyên nhân có thể do đặc điểm loại hình sản xuất, công nghệ, nhiên liệu và vị trí.
Theo nghiên cứu của chuyên gia, ô nhiễm không khí ở thành phố có ảnh hưởng lớn tới đường hô hấp, tác nhân gây ra bệnh ung thư phổi, chóng mặt, đau đầu, các vấn đề tim mạch, rối loạn hành vi. Nhóm cộng đồng nhảy cảm nhất với ô nhiễm không khí là người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 15 tuổi, người mang thai, người thường xuyên làm việc ngoài trời.
Ô nhiễm không khí liên quốc gia ở Việt Nam Hiện các nghiên cứu đánh giá về ô nhiễm không khí liên quốc gia và ảnh hưởng của chúng đến chất lượng môi trường không khí ở Việt Nam còn hạn chế. Tuy nhiên, một số vấn đề lắng đọng axit, sương mù quang hóa hay ô nhiễm xuyên biên giới tuy chưa có biểu hiện rõ ràng nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng nhất định. Một số nghiên cứu thế giới cho thấy môi trường không khí ở Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới Việt - Trung với quy luật mức độ ô nhiễm tăng đáng kể vào các tháng mùa đông. |