Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Delhi, khu vực bao xung quanh thủ đô Ấn Độ, hôm nay ở mức 482, gấp 100 lần giới hạn ảnh hưởng đến sức khỏe, gần chạm mốc 500, mức tồi tệ nhất trong hệ thống đo lường của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng buộc giới chức Delhi ra lệnh đóng cửa trường học, dừng thi công các công trình không cấp thiết. Theo cơ quan kiểm soát ô nhiễm Ấn Độ, đây là mức ô nhiễm không khí tồi tệ nhất ở Delhi kể từ năm 2020.
Chất lượng không khí trong khu vực xấu đi đáng kể khi nông dân ở các bang lân cận đốt rơm rạ trước vụ mùa mới. Bang Punjab gần Delhi ghi nhận hơn 1.000 vụ đốt rơm rạ trong ngày 29/10. Các nguyên nhân ô nhiễm còn lại là do đốt rác nhà máy, khí thải ôtô, công trình xây dựng.
"Số lượng bệnh nhân gặp vấn đề về hô hấp ngày càng tăng, với các triệu chứng như ho, chảy nước mắt. Người dân ở mọi lứa tuổi đều bị ảnh hưởng. Đã đến lúc họ cần đeo khẩu trang và chỉ ra ngoài khi cần thiết", Nikhil Modi, bác sĩ tại Delhi, nói.
Bang Delhi, với thủ phủ New Delhi, là nơi sinh sống của 33 triệu người, thường bị đánh giá là một trong những đô thị ô nhiễm nhất thế giới. Delhi từng thoát khỏi tình trạng ô nhiễm trong thời gian ngắn vào tháng 11/2020, trong giai đoạn phong tỏa do đại dịch Covid-19.
Giới chức Delhi đã đưa ra một số biện pháp chống ô nhiễm, như phun nước để giảm bụi trên đường phố, xây thêm hai "tháp lọc không khí" cao 24 mét, mỗi tháp trị giá hơn 2 triệu USD, song bị đánh giá là không hiệu quả.
Theo nghiên cứu của Đại học Chicago, Mỹ, tuổi thọ của người dân Delhi có thể bị rút ngắn 12 năm do ô nhiễm không khí.
Đức Trung (Theo Guardian)