Theo UPI, các nhà nghiên cứu ở Viện Hóa học Max Planck, Đức vừa công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Nature cho thấy 3,3 triệu người trên thế giới chết sớm mỗi năm vì ô nhiễm không khí, đồng thời bày tỏ lo ngại về hậu quả ngày càng tăng của khí thải toàn cầu lên sức khỏe con người.
Họ tập trung nghiên cứu những tạp chất gây hại nhất trong không khí ô nhiễm, chủ yếu là bụi phân tử có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet. Với những khu vực không có dữ liệu quan trắc về chất lượng không khí, các nhà nghiên cứu sử dụng mô hình dự đoán ô nhiễm. Họ tổng hợp dữ liệu trên với thống kê dịch tễ học để ước tính tác động xấu của ô nhiễm do bụi phân tử lên sức khỏe con người.
Theo phân tích, tác hại lớn nhất của bụi không khí là làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ ở những khu vực ô nhiễm. Tác hại thứ hai là gây các bệnh về phổi, nhiều nghiên cứu trước từng chứng minh ô nhiễm không khí liên quan trực tiếp đến tỉ lệ ung thư phổi và các bệnh hô hấp .
Trong khi mức độ ô nhiễm được kiềm chế và giảm dần ở Mỹ và châu Âu, ô nhiễm bụi đang tăng lên ở các nước châu Á. Trong số 3,3 triệu người tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí, Trung Quốc chiếm 1,4 triệu người, Ấn Độ là 650.000 người.
Những phần tử bụi không khí gây chết người nhiều nhất chủ yếu sinh ra từ các vụ đốt rác nông nghiệp và rác chứa hàm lượng thuốc trừ sâu cao.
"Trước đây, người ta thường cho rằng công nghiệp và giao thông là hai nguồn gây ô nhiễm không khí nhất. Tuy nhiên, đây không phải là nguồn chính gây ô nhiễm trên quy mô toàn cầu", Lelieveld, chủ nhiệm đề tài cho biết.
Những vụ đốt rác thải nông nghiệp chủ yếu tập trung ở châu Á và châu Phi. Ở phương Tây, phân bón được coi là chất gây hại đặc biệt. Hoạt động canh tác và chăn nuôi quy mô lớn là nguyên nhân chủ yếu thải amoni sulfat và amoni nitrat ra khí quyển, nơi những chất gây ô nhiễm tạo thành các hạt bụi chết người. Ước tính, một phần năm các ca tử vong sớm vì ô nhiễm không khí là do hoạt động nông nghiệp gây ra.
Hồng Hạnh