Tại buổi tư vấn trực tuyến chủ đề "Cách bảo vệ sức khỏe khi không khí ô nhiễm", diễn ra vào 14h ngày 17/10, các chuyên gia của Bệnh viện Phổi Trung ương, Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường đã phân tích ảnh hưởng của không khí ô nhiễm đến sức khỏe, cách bảo vệ cơ thể.
Phó giáo sư, tiến sĩ, Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, ô nhiễm không khí ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thậm chí gây bệnh, bệnh nặng và mãn tính như bệnh phổi, hô hấp như hen suyễn, dị ứng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư phổi. Những người mắc bệnh phổi có nhiều khả năng là do ảnh hưởng từ không khí ô nhiễm.
Cũng theo Phó giáo sư, tiến sĩ, Vũ Xuân Phú, khói bụi đặc biệt là khói từ phương tiện giao thông thải ra ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con người. Nguy cơ chịu ảnh hưởng từ khói bụi do phương tiện giao thông cao hơn nhiều ở các thành phố lớn, đặc biệt ở các ngã tư, khi đèn đỏ, nơi xe cộ đều dừng lại nhưng thường không tắt máy.
Để hạn chế việc chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí, Phó giáo sư, bác sĩ Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, khi tham gia giao thông, người dân nên đeo khẩu trang hoạt tính, còn ở nhà thì những gia đình điều kiện có thể trang bị thiết bị lọc không khí phù hợp. Ngoài ra, mọi người cần tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng để giảm ô nhiễm không khí, như vệ sinh các khu dân cư, trồng thêm cây xanh...
Dưới đây là nội dung buổi tư vấn:
- Thưa Tiến sĩ Vũ Xuân Phú, các tác động sức khỏe từ việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí hộ gia đình là gì? (Cúc Lan, 41 tuổi, Hà Nội)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ Vũ Xuân Phú - Phó giám đốc - Bệnh viện Phổi Trung ương:Hầu hết mọi người đều nghĩ ô nhiễm là đám sương mù ngoài trời khi mà mức độ ô nhiễm lên cao nhưng không nhiều người nhận thức rằng ô nhiễm không khí trong nhà cũng có thể ảnh hưởng. Chúng ta có khoảng 90% thời gian ở trong nhà, nên không khí bên trong rất quan trọng với sức khỏe. Chất lượng không khí trong nhà kém, liên quan đến các bệnh phổi - như hen suyễn và dị ứng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT) và ung thư phổi - và ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể. Những người đã mắc một bệnh phổi có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí trong nhà và những người bệnh nặng có khả năng phải ở trong nhà nhiều thời gian hơn.
Tác động kích thích, như khô họng và ho, cảm nhận ngay sau một thời gian ngắn tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong nhà (vài ngày hay tuần). Tác động lâu dài hơn, như gây ung thư, có thể xuất hiện sau vài năm.
Một số người dễ bị tác động bởi chất gây ô nhiễm trong nhà hơn những người khác. Ví dụ trẻ em nhạy cảm (dễ bị gây bệnh) với khói thuốc lá hơn người khác, trong khi phụ nữ thường dễ bị khô họng và mắt hơn. Hơn nữa, các bệnh nhân dị ứng với con mối có trong bụi nhà hoặc thú vật nuôi sẽ bị nặng hơn khi tiếp xúc với chúng bên trong nhà. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết trước được rằng mình có xu hướng dễ bị ảnh hưởng bởi không khí bên trong nhà so với người khác. Nhưng ở những nơi có cường độ tiếp xúc rất cao, hầu hết mọi người đều bị bệnh.
![3 chuyên gia đã có mặt tại tòa soạn VnExpress để tư vấn cho độc giả về cách bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm không khí](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2019/10/17/live_interview-1571299218.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Djg891rftiXxfbR0_8HaVg)
3 chuyên gia đã có mặt tại tòa soạn VnExpress để tư vấn cho độc giả về cách bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm không khí
- Các loại khẩu trang chống lại bụi mịn được quảng cáo rầm rộ gần đây như khẩu trang pitta của Nhật có thực cản được lớp bụi mịn này xâm nhập vào cơ thể khi hô hấp? Nếu có xin các chuyên gia nói thêm về tác dụng của loại khẩu trang này. (Van hoang, Hà Nội)
- Phó giáo sư, bác sĩ Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường:
Một khẩu trang đạt chuẩn cần 5 yếu tố:
Thứ nhất là hiệu suất lọc, có nghĩa lọc được bao nhiêu phần trăm của loại bụi đó.
Thứ hai là trở lực hô hấp, có nghĩa khẩu trang không được cản trở hoạt động hô hấp.
Thứ ba là độ kín khít, nghĩa là khẩu trang phải ôm kín vùng mũi, miệng.
Thứ tư là trường nhìn: khẩu trang không được che tầm nhìn gây ảnh hưởng đến hoạt động của người đeo khẩu trang.
Thứ năm là trọng lượng khẩu trang: Khẩu trang không được nặng quá gây khó đeo.
Để xác định khẩu trang có hiệu quả cản trở bụi mịn không cần có một đơn vị đánh giá và công nhận của một bên thứ ba độc lập.
Mặt khác, các khẩu trang có khả năng lọc bụi mịn cao thường là khẩu trang chuyên dụng và dành cho môi trường đặc thù. Còn với cuộc sống thường nhật thì chỉ cần khẩu trang phù hợp. Ví dụ: Nếu tham gia giao thông thì cần khẩu trang có than hoạt tính để hấp thụ khí độc từ các phương tiện giao thông. Nếu vào bệnh viện thì cần khẩu trang y tế có khả năng chống nhiễm khuẩn...
- Hậu quả của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe là gì, thưa bác sĩ? (Trà My, 27 tuổi, Hà Nội)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, Vũ Xuân Phú:
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, thậm chí là gây bệnh, bệnh nặng và mãn tính như bệnh phổi, hô hấp; ví dụ hen suyễn, dị ứng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư phổi, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác của cơ thể. Những người mắc bệnh phổi có nhiều khả năng là do ảnh hưởng từ không khí ô nhiễm.
- Cháu từng bị tràn dịch màng phổi từ năm 14 tuổi. Sau khi chữa 7 tháng thì bệnh khỏi và hàng năm vẫn đi chụp X-quang lại một lần để kiểm tra. Bệnh này làm sao để giữ cho không bị tái phát lại trong điều kiện sống như hiện nay ạ? (Minh Châu, 25 tuổi, Thanh Hóa)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh Phổi mạn tính, Bệnh viện phổi Trung ương:
Tôi nghĩ cháu đã điều trị tràn dịch màng phổi nguyên nhân do lao. Như vậy, bệnh lao chỉ có thể tái phát do tái nhiễm lại vi khuẩn lao hoặc vi khuẩn lao tái hoạt động trở lại nếu như lần trước, cháu chưa điều trị dứt điểm.
Còn với các vấn đề ô nhiễm không khí được cảnh báo thời gian vừa qua là nguyên nhân gây các bệnh lý khác như: nhiễm trùng hô hấp, hen phế quản, bệnh phổi mãn tính, ung thư phổi...
- Bác sĩ cho biết bụi khói xe có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? (Phương Hà, 41 tuổi, Hà Nội)
- Ông Vũ Xuân Phú:
Khói bụi đặc biệt là khói từ phương tiện giao thông thải ra ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con người và những cư dân sống xung quanh môi trường này. Khói ôtô xe máy thải ra nhiều độc tố, tác động đến cơ quan hô hấp, đường thở, mũi hầu họng, phế quản, phế nang, gây ra bệnh lý về đường hô hấp, đặc biệt là tích lũy lâu ngày có thể gây nguy cơ ung thư phổi.
Nguy cơ chịu ảnh hưởng từ khói bụi do phương tiện giao thông cao hơn nhiều ở các thành phố lớn, đặc biệt ở các ngã tư, khi đèn đỏ, nơi xe cộ đều dừng lại nhưng thường không tắt máy. Lúc này, các luồng khí xả vào nhau sẽ rất độc hại nếu người tham gia giao thông không sử dụng khẩu trang phù hợp, đúng quy định để bảo vệ chính mình.
- Thưa bác sĩ Thành, những gánh nặng bệnh tật liên quan đến đường hô hấp khi ô nhiễm không khí bên ngoài lớn như thế nào? (Hải Long, 35 tuổi, HCM)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành:
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nên 7 triệu người tử vong trên thế giới hàng năm và 40% tử vong sớm (chết non). Ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến các bệnh đường hô hấp như tăng tỷ lệ viêm phổi, làm bệnh hen nặng hơn; là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn gây nên các bệnh lý khác ngoài phổi như: bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư gan, ảnh hưởng đến thai nhi (như sinh non, cân nặng thai thấp, thai chết lưu, thậm chí ảnh hưởng đến phát triển hệ thần kinh)...
Tóm lại, ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới rất nhiều cơ quan khác nhau, không chỉ riêng cơ quan hô hấp.
![Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh Phổi mạn tính - Bệnh viện Phổi Trung ương,](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2019/10/17/live_interview-1571299994.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=B5Jxz-K4f3hl28GlfeaOjQ)
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh Phổi mạn tính - Bệnh viện Phổi Trung ương,
- Bác sĩ cho hỏi chất dạng hạt - PM2.5 và PM10 là gì? (Minh Hà, 35 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành:
Hạt PM10 là những hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10micromet. Những hạt này chủ yếu tác động tới đường hô hấp trên mũi, họng, gây những bệnh lý như viêm mũi dị ứng, viêm xoang...
Hạt PM2.5 là hạt có kích thước nhỏ hơn 2.5micromet. Các hạt này có thể đi sâu vào trong phế quản, phế nang; có thể qua mạch máu vào trong tuần hoàn. Do đó, loại hạt này có vai trò quan trọng trong nguyên nhân gây nên các bệnh lý hô hấp như bệnh phổi, tắc nghẽn, mãn tính, hen phế quản, ung thư phổi, khi vào máu, các hạt này còn là nguyên nhân gây bệnh lý khác như tim mạch, ung thư gan...
- Sương mù quang hóa là gì, ảnh hưởng như nào đến sức khỏe, thưa bác sĩ? (Trúc Hà, 28 tuổi, Long An)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành:
Những ngày gần đây, ở Hà Nội, chúng ta có thể thấy không khí đặc như sương mù mà không liên quan tới độ ẩm hay không khí lạnh. Hiện tượng này gọi là sương mù quang hóa. Trong điều kiện ít gió, hình ảnh sương mù quang hóa nhìn càng rõ hơn. Nguyên nhân là do tăng nồng độ các chất khí như hydro cacbon, NOx, ozone, dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời sẽ xảy ra phản ứng giữa các khí này, tạo thành các chất Aldehyde, nitric peroxide rất độc, ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Thưa các chuyên gia, việc dùng máy lọc không khí trong nhà cải thiện được khoảng bao nhiêu % với tình trạng ô nhiễm hiện nay? Nếu dùng, có nhất thiết phải sử dụng máy lọc cả ngày? (Mia Nguyễn, 28 tuổi, Time City, Hà Nội)
- Phó giáo sư, bác sĩ Doãn Ngọc Hải :
Máy lọc không khí đạt chuẩn sẽ lọc không khí bẩn và trả lại không khí sạch. Tùy theo không gian mà thời gian làm sạch khác nhau. Đối với một phòng lớn sẽ mất thời gian hơn phòng nhỏ, máy công suất lớn cũng sẽ lọc nhanh hơn công suất nhỏ.
Mỗi máy đều có chỉ số về công suất, bạn chỉ cần chạy đủ thời gian để lọc sạch, còn để chạy cả ngày mà không khí sạch rồi thì không làm sao mà chỉ tốn tiền điện.
Một số máy lọc hiện nay có thêm các chức năng như hẹn giờ, tạo ẩm. Tùy theo điều kiện kinh tế chúng ta có thể chọn thiết bị phù hợp. Tuy nhiên, với chắc năng lọc và khử khuẩn là đã tốt rồi.
- Lời khuyên của các chuyên gia cho người dân thủ đô trong sinh hoạt hàng ngày để hạn chế tối đa việc chịu ảnh hưởng từ không khí, môi trường ô nhiễm? (Tâm Hưng, Hà Nội)
- Phó giáo sư, bác sĩ Doãn Ngọc Hải:
Ô nhiễm không khí là sự có mặt của các chất lạ trong không khí, thường là do bụi và hơi khí độc. Trong sinh hoạt hàng ngày, để hạn chế việc chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí, thì người dân nên đeo khẩu trang khi tham gia giao thông, hoặc khi đến những vùng có ô nhiễm không khí rõ ràng. Còn ở nhà thì đối với gia đình có điều kiện thì có thể trang bị những thiết bị lọc phù hợp. Ngoài ra, mọi người cần tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng để giảm ô nhiễm không khí, như vệ sinh các khu dân cư, trồng thêm cây xanh...
![Phó giáo sư, bác sĩ Doãn Ngọc Hải cung cấp cho độc giả nhiều thông tin bổ ích về việc hạn chế tối đa môi trường ô nhiễm.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2019/10/17/live-interview-1571302560-1571-9015-3616-1571307953.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ylYTb0RuBwz9PkpIjr7EQg)
Phó giáo sư, bác sĩ Doãn Ngọc Hải cung cấp cho độc giả nhiều thông tin bổ ích về việc hạn chế tối đa môi trường ô nhiễm.
- Đối tượng nào chịu ảnh hưởng nặng nhất khi ô nhiễm không khí? Bác sĩ có khuyến cáo gì để phòng ngừa các bệnh về hô hấp? (Thanh Lâm, 41 tuổi, Thái Bình)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành:
Không khí ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp tới các đối tượng có nguy cơ dễ bị cảm nhiễm cao như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, làm kích phát những cơn hen, gây đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Do đó, trong những ngày mà mức độ ô nhiễm không khí cao, những đối tượng trên hạn chế ra ngoài, nếu cần thiết phải ra ngoài nên sử dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp.
- Những loại bệnh ung thư nào có liên quan đến ô nhiễm môi trường, thưa bác sĩ? (Long Đình, 35 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành:
Ô nhiễm không khí thường là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư phổi tuy nhiên khi ô nhiễm với hạt PM2.5, các hạt này sẽ qua phế quản, phế nang, qua mạch máu vào trong hệ thống tuần hoàn và có thể nguy cơ gây bệnh cho các cơ quan khác, trong đó ung thư gan đã được ghi nhận.
- Trước thực trạng không khí thủ đô ô nhiễm, có người khuyên nên ở nhà đóng kín cửa, nhưng có người nói đóng kín cửa càng khiến không khí tù đọng và nguy hiểm hơn. Xin ý kiến của chuyên gia? dùng điều hòa có giúp lọc sạch không khí hơn không? (Lê Linh, Hà Nội)
- Phó giáo sư, bác sĩ Doãn Ngọc Hải:
Việc đóng kín cửa không đảm bảo được việc chúng ta không ô nhiễm, đặc biệt là những gia đình ở sát mặt đường giao thông. Và việc đóng kín cửa cũng khiến không khí tù đọng, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Máy điều hòa đơn thuần không có chức năng lọc sạch không khí hoặc hiệu quả không cao. Hiện nay một số hãng đã sản xuất máy điều hòa có thêm các chức năng lọc không khí, khử khuẩn thì sẽ tốt hơn và không cần phải mua thêm máy lọc không khí.
Một số giải pháp đơn giản là bạn nên trồng cây xanh khi có điều kiện, vệ sinh nhà cửa thường xuyên, sử dụng thiết bị lọc không khí phù hợp, nhất là với những gia đình có người già và trẻ em. Máy lọc thì chú ý nhất tới tính năng lọc không khí và khử khuẩn.
- Tôi đang mang bầu, đọc những thông tin về ô nhiễm không khí, tôi thấy các báo nước ngoài đưa tin, không khí ô nhiễm có thể gây sảy thai? Thưa bác sĩ, điều này có đúng? Vậy bà bầu như tôi phải làm sao? (Trang Nhung, 35 tuổi, Hà Nội)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, Vũ Xuân Phú:
Theo một số nghiên cứu, bà mẹ mang thai sống trong môi trường không khí ô nhiễm có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi (cân nặng thấp, chậm phát triển, sinh non, có thể thai lưu...) tuy nhiên mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc trong môi trường ô nhiễm. Do đó, bạn không nên quá lo lắng và có thể phòng tránh trong những thời điểm ô nhiễm không khí như hạn chế ra ngoài, dùng khẩu trang, chế độ dinh dưỡng hợp lý.
![Phó giáo sư, tiến sĩ, Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc - Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng Những người mắc bệnh phổi có nhiều khả năng là do ảnh hưởng từ không khí ô nhiễm.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2019/10/17/live-interview-1571302673-1571-6430-5349-1571307954.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tsMm-2noB9ZlW-fePY5LVQ)
Phó giáo sư, tiến sĩ, Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc - Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng Những người mắc bệnh phổi có nhiều khả năng là do ảnh hưởng từ không khí ô nhiễm.
- Bệnh phổi của trẻ em thường có diễn biến phức tạp và bệnh chuyển biến rất nhanh. Vậy làm thế nào để đề phòng con bị phổi và khi bị, cần lưu ý những điều gì, thưa bác sĩ? (Hải Băng, 35 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành:
Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, trong đó cần quan tâm đến môi trường ngoài nhà và trong nhà. Đối với môi trường trong nhà, những yếu tố như ẩm mốc, bụi mạt nhà, không khí lưu thông kém là nguyên nhân gây nhiễm trùng hô hấp ở trẻ nhỏ, do đó cha mẹ cần lưu ý vệ sinh nhà cửa thường xuyên.
Đối với ô nhiễm không khí bên ngoài, cần theo dõi, nhận biết tình trạng ô nhiễm để hạn chế cho trẻ ra ngoài.
Nguyễn Phượng