Luke là quản lý cấp trung ở công ty công nghệ, lương tốt nhưng vẫn không sống được với giá thuê nhà "điên rồ" ở thủ đô. Anh tìm cách cắt giảm chi phí, trở thành người trông coi những ngôi nhà hoang.
"Nó hơi kỳ lạ nhưng miễn là tiết kiệm", anh nói.
![Luke Williams. Ảnh: CNN](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/02/11/Screen-Shot-2025-02-11-at-16-3-2047-8477-1739270675.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2jMsuLjrfB8qmT8hl-_Eng)
Luke Williams. Ảnh: CNN
Những người trông coi nhà hoang như Luke đang ngày càng nhiều ở các thành phố lớn. Hình thức này xuất hiện ở Hà Lan vào những năm 1980. Họ sống trong bệnh viện, văn phòng, nhà hoang đang chờ phá dỡ hoặc chuẩn bị xây dựng.
Chủ sở hữu thuê họ vào sống nhằm ngăn chặn người chiếm dụng trái phép. Tuy nhiên, người trông coi có thể bị yêu cầu rời nhà hoang trước 28 ngày.
Hiệp hội cung cấp người giám hộ tài sản (PGPA) ước tính hiện có 13.500 người Anh đang sống theo hình thức này. Graham Sievers, chủ tịch PGPA, cho biết nhu cầu đang tăng cao nhất từ trước đến nay.
Năm ngoái, khoảng 50.000 người đã nộp đơn để trở thành người trông coi nhà hoang, tăng hơn 66% so với năm 2022. Nhóm tuổi 30-40 đang chiếm đa số. "Xu hướng này xuất phát từ cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt", ông nói. "Mọi người đang tìm cách sống rẻ hơn".
Giá thuê nhà trung bình ở London tăng 11,5% năm ngoái, lên 2.700 USD một tháng, theo số liệu chính phủ. Dữ liệu từ nền tảng cho thuê bất động sản SpareRoom cho thấy giá thuê phòng trong nhà chung đã chạm mốc 1.200 USD vào cuối 2024.
Ben Twomey, giám đốc Generation Rent, tổ chức phi lợi nhuận về quyền lợi người thuê nhà, cho biết giá thuê ở London đang chiếm hơn 30% thu nhập trước thuế của người thuê.
Tuy nhiên, việc sống trong nhà hoang được cho là ít được bảo vệ quyền lợi pháp lý hơn. Một số người phàn nàn về việc không có máy lọc nước và trần nhà ọp ẹp.
![Những ngôi nhà ở Canary Wharf, TP London, Anh, tháng 3/2023. Ảnh: CNN](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/02/11/Screen-Shot-2025-02-11-at-16-3-3631-9996-1739270675.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zsPo1cS6AAMxP0L2Ak0nGQ)
Những ngôi nhà ở Canary Wharf, TP London, Anh, tháng 3/2023. Ảnh: CNN
"Tôi không còn cách nào khác", Louis Goss, 29 tuổi, nói. Anh đã sống cùng một thợ điện và một kỹ sư trong hai năm trong nhà thờ bỏ hoang thuộc trung tâm Lon Don. Họ phải trả khoản phí cố định để được ở đây.
Goss đã trải qua bốn lần làm người trông coi ở London, gồm một đồn cảnh sát, viện dưỡng lão, ký túc xá sinh viên và tòa thị chính bỏ hoang.
Năm 2019, anh từng sống cùng khoảng 50 người khác ở đồn cảnh sát, chủ yếu là sinh viên mới ra trường. Họ trả 610 USD mỗi tháng, bao gồm điện nước, rẻ hơn phân nửa so với giá thuê trong khu vực.
Gross mô tả không gian sống hỗn loạn như "con tàu cướp biển", nơi họ liên tục có những buổi tiệc dưới tầng hầm và buồng giam.
Năm 2021, ở ký túc xá sinh viên, Goss gặp nhiều người ở độ tuổi 30 đang cố gắng tiết kiệm tiền khi giá thuê tăng vọt. Một số người chuyển xuống tầng hầm, nơi trước đây từng là chỗ ở của nhóm nữ tu cao tuổi, ngủ dưới thánh giá và áo choàng.
Tim Lowe, giám đốc của công ty kết nối người ở nhà hoang The Lowe Group, nói vài năm nay, chi phí ở nhà hoang, bao gồm tiền vận hành, bao gồm tiền điện nước, vẫn thấp hơn phòng trọ thông thường nhưng không còn quá chênh lệch.
Lowe nhấn mạnh hình thức nên là bước đệm để kết bạn hoặc tiết kiệm mua nhà, không phải giải pháp cuối cùng.
"Đây không phải là chiếc phao cứu sinh", ông nói.
Tuy nhiên, nhiều người London vẫn mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn. Giá trọ cao khiến họ khó tiết kiệm đủ tiền đặt cọc mua nhà, lại tiếp tục thuê. Giá nhà trung bình ở London vào tháng 11 năm ngoái là 635.000 USD, theo dữ liệu chính phủ.
"Tôi không nghĩ mình sẽ phải ở đây lâu đến vậy", Hullah, cư dân ở chung cư bỏ hoang phía bắc London, nói. "Tôi cố gắng tiết kiệm tiền nhưng không thể nên cứ mắc kẹt ở đây".
Ngọc Ngân (Theo CNN)