Thực ra, một đợt “tri ân” của phụ huynh tập trung vào một ngày cũng không tạo ra số tiền quá lớn. Chỉ đơn giản nó đã là một tập quán lâu năm, bây giờ kể cả thu nhập của thầy cô có viên mãn rồi, trừ khi đóng cửa “đi trốn” vào ngày này, thì khi phụ huynh đến cũng không thể nào cứ đẩy đi đẩy lại cái phong bì trên bàn.
Một cô giáo có thâm niên 15 năm trong nghề chia sẻ với tôi: Mỗi khi phụ huynh đến với phong bì, người thì để trong túi quà nho nhỏ, người thì để thẳng phong bì trên bàn nhưng tất thảy đều chung một cách nói đại ý: Chút quà cảm ơn cô đã quan tâm đến cháu, cô đừng suy nghĩ. Phụ huynh sẽ nằn nì bằng được. Rất mệt mỏi. Để khỏi mệt, cô đành tặc lưỡi nhận và rồi lại rơi vào những khủng hoảng giá trị khác.
Tôi sẽ gọi đó là “mâu thuẫn phong bì”, bởi vì ở đây, người đưa tin rằng trách nhiệm tạo ra cái văn hóa phong bì là của kẻ nhận, còn người nhận thì một mực nói rằng tôi cũng khó xử, trách nhiệm đầu tiên phải là của cái ông chìa nó ra. Chuyện xin-cho này khó rạch ròi như chuyện gà có trước hay trứng có trước.
Trong “mâu thuẫn phong bì”, không phải lúc nào người nhận và kẻ đưa cũng cảm thấy thoải mái. Nhưng bởi vì ai cũng tin rằng trách nhiệm tạo ra thứ văn hóa ấy là của phía bên kia nên nó cứ được duy trì theo một quán tính kiên định.
Ở hai phía phong bì, đôi bên cùng chấp nhận một cơ chế xin-cho mà họ hiểu rằng có thể sẽ hại mình. Phụ huynh thì gián tiếp dạy con về sự thiếu trung thực. Thầy cô thì tự làm tổn thương lòng tự trọng và làm thu hẹp thị trường giáo dục của chính mình.
Ở hai phía phong bì, cả hai bàn tay yếu ớt đều bị chi phối bởi một áp lực vô hình từ chính cái phong bì. Và đó không chỉ là vấn đề của ngày 20/11 hay của nghề giáo.
Nhưng thỉnh thoảng, cũng có những người sẵn sàng hành động chống lại áp lực vô hình đó. Mùa 20/11 này, nổi lên câu chuyện của trường THPT Anhxtanh ở Hà Nội, nơi mà các thầy chỉ nhận “phong bì gạo” - nghĩa là thay vì hoa và phong bì theo kiểu truyền thống, các em học sinh và phụ huynh sẽ đem gạo đến trường, để quyên góp cho người nghèo. Nói như thầy hiệu trưởng Đào Tuấn Đạt: “Vì hoa sẽ tàn mà xã hội còn nhiều người khó khăn”.
Thầy Đạt giải thích cơ chế phản ứng trong trường hợp này: nếu tôi truyền cho các em cảm hứng từ việc làm từ thiện, thì chính các em sẽ “giáo dục lại” (thầy dùng nguyên văn từ này) cha mẹ về văn hóa quà biếu. Trong một hoạt động có ý nghĩa như thế, chính các em sẽ phản ứng, sẽ cảm thấy xấu hổ với bạn bè và thầy cô nếu cha mẹ muốn duy trì “phong bì”, và ngăn chặn phụ huynh.
Thầy Đạt cũng thừa nhận với tôi rằng nếu đã để phụ huynh đến nhà cầm theo phong bì, thì cũng khó mà đẩy đi đẩy lại được, chỉ có nhận thôi. Và các thầy đã hóa giải điều khó nói đó bằng cách triệt tiêu cái phong bì ngay từ trong ý tưởng.
Điều quan trọng của câu chuyện trường Anhxtanh, không phải là bao nhiêu tấn gạo đã được quyên góp, mà là ở hai phía phong bì, đã có một phía quyết định rằng mình sẽ phải hành động để thoát khỏi sự chi phối của nó.
Ở hai phía phong bì, nếu như không phía nào tin rằng trách nhiệm thuộc về mình, thỏa hiệp và đổ lỗi cho bên kia, thì phong bì sẽ vẫn là một tập quán không thể gọi là văn hóa.
Đức Hoàng