Các ca nhiễm xuất hiện tại 3 khoa gồm khoa Thần kinh - nội tiết, khoa Hồi sức tích cực và chống độc, khoa cơ xương khớp - Thận tiết niệu và lọc máu. Toàn bộ bệnh viện đã phong tỏa từ chiều 4/11.
Ca khởi điểm được phát hiện tại bệnh viện là một người phụ nữ trú tại thành phố Hưng Yên, điều trị tại khoa Nội tiết. Sáng 2/11, bà làm thủ tục chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai thì có kết quả dương tính nCoV.
Bệnh viện đã tạm ngừng tiếp nhận người khám, chữa bệnh nội trú, ngoại trú, người bệnh chuyển tuyến thông thường để tập trung tầm soát dịch trong bệnh viện. Bệnh viện chỉ tiếp nhận bệnh nhân nặng, cấp cứu.
Làm việc với Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên ngày 7/11, đại diện Sở Y tế Hưng Yên cho biết trong đợt dịch thứ tư đến nay toàn tỉnh ghi nhận thêm 389 ca nhiễm, trong đó 307 trường hợp đã khỏi bệnh ra viện và về nhà cách ly; 81 bệnh nhân đang điều trị, một ca tử vong.
Những ngày gần đây, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, xuất hiện các ổ dịch ở thành phố Hưng Yên, huyện Văn Lâm, huyện Kim Động, trong bệnh viện... Nguồn lây chủ yếu do người dân từ vùng có dịch và lái xe đường dài về tỉnh.
Tỉnh đang cách ly 9.505 người tại 3 cơ sở cách ly tập trung. Hưng Yên có 5 cơ sở xét nghiệm với công suất 1.100 mẫu đơn/ngày; 10 cơ sở y tế để điều trị bệnh nhân theo mô hình 3 tầng.
Thứ trưởng Tuyên đánh giá Hưng Yên là một trong những tỉnh làm tốt trong công tác phòng chống dịch, song hiện tình hình dịch chung còn phức tạp tác động lớn đến phát triển kinh tế. Ông yêu cầu tỉnh cần có phương án ứng phó dịch phù hợp và khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống theo lộ trình.
"Tỉnh cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng và nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine song song với việc khôi phục hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh", ông Tuyên nói. Hiện, hơn 74% người dân Hưng Yên được tiêm mũi 1 và 28% người dân được tiêm 2 mũi.
Tỉnh tính đến phương án điều trị F0 nhẹ tại nhà, tập trung nguồn lực hạn chế các trường hợp nặng lên và tử vong.
Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh nâng cao hiệu quả của tổ Covid cộng đồng, đẩy mạnh truyền thông để thay đổi hành vi, nhận thức của người dân trong phòng chống dịch, đặc biệt là tiêm vaccine nhưng vẫn phải tuân thủ quy tắc phòng chống dịch.