Sau 36 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, số ca mắc mới tại Hà Nội vẫn ở mức cao, liên tục xuất hiện các ổ dịch mới. Ngày 29/8, thành phố ghi nhận 133 ca nhiễm - số ca mắc mới cao nhất từ khi dịch xuất hiện trên địa bàn thủ đô (ngày 6/3/2020).
Một trong các ổ dịch phức tạp nhất hiện nay là ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, ghi nhận 303 ca nhiễm từ ngày 23/8 đến và có xu hướng tiếp tục tăng.
Ổ dịch này bắt nguồn từ hai bệnh nhân đầu tiên ở ngõ 330 Nguyễn Trãi, là mẹ con. Chiều 22/8, người mẹ 48 tuổi đưa con gái 28 tuổi đi xét nghiệm nhanh tại Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc Phúc, xét nghiệm PCR khẳng định dương tính sáng 23/8. Chỉ trong ba ngày sàng lọc, truy vết, ngành y tế ghi nhận thêm 71 ca dương tính cư trú trong hai ngõ phố 328, 330 trên và các khu giáp ranh là tập thể Thuốc lá Thăng Long, tập thể Bóng đèn phích nước Rạng Đông, khu Nhà máy dụng cụ số 1.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, nhận định chùm ca này đã đến vòng lây nhiễm thứ 2 hoặc 3. Hai ngõ nhỏ là khu dân cư cũ, mật độ dân số rất đông, nên bị lây nhiễm nhiều. Ổ dịch này được phát hiện muộn dẫn đến số ca mắc lớn, hiện đã phong tỏa nhưng diễn biến vẫn phức tạp.
Tại phường này, một số nhà tập thể vẫn dùng chung khu vệ sinh, đây chính là nguy cơ lây nhiễm, theo ông Tuấn. Sáng nay, CDC đã đề nghị quận có biện pháp sơ tán những hộ này để giảm mật độ người. Những hộ khác cần giãn cách người trong gia đình, thường xuyên đeo khẩu trang, bố trí giờ ăn uống khác nhau để hạn chế tối đa lây nhiễm.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, chuyên gia dịch tễ, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, phân tích ổ dịch Thanh Xuân Trung với đường kính vùng lõi dịch bệnh 2 km, nằm trong khu vực có đường kính 4,5 km. Mật độ dân cư của khu này lên tới 40.000 người/km2, cao gấp 16 lần mật độ dân cư trung bình tại Hà Nội. Đặc điểm dân đông, nhiều ngõ ngách nhỏ, bên trong là các khu nhà trọ chật hẹp ẩm thấp, nhiều quán nhỏ vỉa hè, chợ... nguy cơ bùng phát mạnh.
Ca nhiễm liên quan chùm này khá đa dạng, gồm người bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở hoặc cửa hàng nhỏ, nhân viên nhà thuốc, nhân viên bán hàng, bảo vệ siêu thị, người đi chợ, mua đồ, cắt tóc; và cả những người thường xuyên ở nhà không rõ nguồn lây.
"Nơi đây có thể trở thành 'chảo lửa' nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời", bà Thu Anh nói.
Theo thông tin từ Sở Chỉ huy Phòng, chống dịch quận Thanh Xuân, lực lượng chức năng đã lập 314 chốt trực (gồm có 62 chốt kiểm tra, 252 chốt Covid-19 cộng đồng), 112 rào cứng, một tổ tuần tra cơ động, một tổ Covid-19 liên ngành, 30 tổ tuần tra lưu động, 145 tổ Covid-19 cộng đồng giám sát thực hiện giãn cách xã hội và quy định phòng, chống dịch.
Quận Thanh Xuân cũng kích hoạt khu cách ly tập trung tại tòa nhà A1, khu nhà tái định cư tại phường Kim Giang (15 tầng, công suất dự kiến 500 giường).
Chùm ca tại phường Thanh Xuân Trung cho thấy nguy cơ bùng phát dịch ở khu vực mật độ dân cư cao, chật hẹp với nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ hay nhiều nhà chung cư san sát nhau, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao đổi với báo chí ngày 29/8. Một số chùm ca bệnh khác tại phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai); trước đó tại phường Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa), xã Liên Ninh, Đại Áng (huyện Thanh Trì) hay khu chung cư HH4C Linh Đàm (quận Hoàng Mai).
Bí thư Dũng nhìn nhận việc kiểm soát dịch bệnh ở các địa bàn đông dân cư chưa vững chắc. Các khu vực đã được phong tỏa, việc thực hiện cách ly chưa nghiêm, có hiện tượng "chặt ngoài, lỏng trong". Các ca dương tính với nCoV còn được phát hiện tại một số khu chợ dân sinh, siêu thị; lái xe "luồng xanh", lái xe cấp cứu 115...
Tình hình dịch vẫn còn phức tạp, khó lường vì nhiều lý do, theo báo cáo của UBND thành phố. Ngoài những ổ dịch lớn, hiện Hà Nội còn xuất hiện những ca bệnh rải rác, tản mát trong cộng đồng. Biến thể Delta lây lan mạnh, chu kỳ lây ngắn (khoảng 2 ngày), ca bệnh có thể còn lẩn khuất trong cộng đồng chưa phát hiện được.
"Quan trọng là người dân đã tiếp xúc với các trường hợp dương tính phải tự giác khai báo để tiếp tục truy vết, khoanh vùng chặn dịch", ông Tuấn nói và khuyến cáo người dân khi có triệu chứng, hoặc không triệu chứng song cảm thấy sức khỏe có vấn đề nghi vấn liên quan đến Covid-19, thì phải khai báo ngay để được lấy mẫu xét nghiệm.
Tính từ đầu đợt dịch thứ tư, Hà Nội ghi nhận 3.436 ca nhiễm (không tính số ca tại bệnh viện tuyến trung ương) trong đó có 1.539 ca nhiễm cộng đồng.
Thúy Quỳnh - Lê Cầm