Cụm lây nhiễm tại tu viện trên đường Dương Quảng Hàm, phường 5, Gò Vấp, được ngành y tế xem là ổ dịch mới, tính chất phức tạp do liên quan đến học sinh tại 7 trường học.
Ông Nguyễn Ngọc Anh (Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp), tại họp báo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP HCM, chiều 21/2, cho biết tu viện nhiều năm qua là nơi lưu trú nhiều học sinh từ 11 tuổi trở lên có hoàn cảnh khó khăn ở TP HCM và các tỉnh lân cận đến thành phố học tập. Hiện 140 trẻ lưu trú, 20 linh mục và tu sĩ cư trú tại tu viện, sinh hoạt tôn giáo thường xuyên. 140 trẻ này đang theo học tại 7 trường ở thành phố.
Ca chỉ điểm (phát hiện đầu tiên) chùm lây nhiễm này là một học sinh lớp 7 Trường THCS An Nhơn, Gò Vấp, thông qua xét nghiệm tầm soát tại trường hôm 15/2. Em này lưu trú tại tu viện. Ngành y tế đã khoanh vùng, cách ly tất cả người sinh sống tại tu viện, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện 53 F0 nữa, trong đó có một tu sĩ sinh năm 1990 là người quản lý trực tiếp các học sinh. Như vậy, tại tu viện ghi nhận tổng cộng 54 F0 trong đó có một tu sĩ và 53 học sinh. Thông tin về các học sinh F0 ở tu viện được ngành y tế thông báo nhanh đến các trường liên quan, xác định và cách ly F1 ngay.
Khuôn viên tu viện rộng, có ba dãy nhà riêng biệt, lực lượng chức năng trưng dụng một dãy nhà để cách ly 54 F0. Ngành y tế phun xịt khử khuẩn toàn khuôn viên và cách ly thêm 53 F1. Các linh mục, tu sĩ khác sinh hoạt ở một khu riêng biệt trong tu viện, chưa có dấu hiệu nhiễm virus.
Tất cả F0 đều tiêm đủ mũi vaccine, không có triệu chứng, một số ít triệu chứng rất nhẹ đã được cấp thuốc gói A. Sau 6 ngày điều trị, các F0 đều ổn định sức khỏe, chùm lây nhiễm không phát sinh thêm ca mới, ông Ngọc Anh cho hay.
"Việc khống chế thành công ổ dịch tại tu viện đã đảm bảo không lây lan dịch bệnh, an toàn cho cộng đồng", ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết. Ngành y tế lấy mẫu ngẫu nhiên những F0 trong chùm lây tại tu viện để giải trình tự gene virus, hiện chưa có kết quả.
Theo ông Tâm, việc lấy mẫu giải trình tự gene virus nằm trong chiến lược phòng chống Omicron của TP HCM. Theo đó, ngành y tế tăng cường giám sát các khu vực có dấu hiệu bất thường như số ca nhiễm và tử vong tăng cao, chuyển từ test nhanh sang xét nghiệm RT-PCR; giải mã trình tự gene virus trường hợp dương tính là nguồn siêu lây nhiễm, thời gian ủ bệnh ngắn, có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với người nước ngoài, F0 trở nặng và tử vong rất nhanh... Đến nay, TP HCM đã tầm soát ngẫu nhiên phát hiện một số trường hợp nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng.
Liên quan đến chùm lây nhiễm 23 ca tại chung cư 89-91 Nguyễn Du, ông Nguyễn Duy An (Phó chủ tịch UBND quận 1) cho biết ổ dịch này được phát hiện từ ngày 18/2 với 6 ca nhiễm. Hiện chung cư đã được gỡ phong tỏa. Người dân chung cư sẽ xét nghiệm 5 ngày một lần theo mẫu gộp hộ gia đình, đến khi không còn F0. Những người âm tính được đi lại nhưng giới hạn giao tiếp trong cộng đồng, không được tham dự các sự kiện tập trung quá 10 người.
Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai tại cuộc họp báo cũng cho biết chương trình thử nghiệm thuốc kháng virus trong cộng đồng vẫn đang được triển khai. TP HCM còn trên 40.000 liều các loại thuốc kháng virus để cấp phát miễn phí cho F0 đủ điều kiện sử dụng thuốc.
Tính đến chiều 20/2, thành phố ghi nhận ca gần 530.000 ca Covid-19 (đã được Bộ Y tế công bố). Gần 1.300 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 50 bệnh nhân nặng thở máy; 9 bệnh nhân can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể).
Theo HDCC, tổng số ca Covid-19 thành phố từ ngày 12/2 đến 18/2 là 2.934, tăng gấp ba so với 7 ngày trước đó, số ca nhập viện tăng nhẹ. Tuy nhiên, số bệnh nhân nặng giảm, ca tử vong ở mức thấp. Thành phố ghi nhận hai ca tử vong trong ngày 19/2, là bệnh nhân từ địa phương khác chuyển đến để điều trị.
Tỷ lệ bao phủ vaccine ở TP HCM thuộc nhóm cao nhất nước. Tổng số vaccine thành phố đã tổ chức tiêm là hơn 8,1 triệu mũi một và hơn 7,3 triệu mũi hai. Ngoài ra, hơn 4,6 triệu mũi ba đã được triển khai, gồm hơn 667.000 mũi bổ sung và gần 4 triệu mũi nhắc lại.
Thư Anh