*Barca - Man Utd: 2h thứ Tư 17/4, giờ Hà Nội.
Man Utd đối đầu Barca là cặp đấu của những tượng đài xuất hiện ngay trong tiềm thức người hâm mộ bóng đá. Từ Sir Matt Busby, Sir Bobby Charlton, Sir Alex Ferguson và George Best ở Man Utd, đến Rinus Michels, Johan Cruyff, Pep Guardiola và Lionel Messi ở Barca. Nhưng trong dòng chảy không ngừng của lịch sử đó, giữa hai CLB này còn tồn tại một dấu gạch nối ít được biết đến - Patrick O’Connell.
Barca có lẽ sẽ là một CLB rất khác ngày nay, nếu không có Patrick O’Connell, một tấm gương về tinh thần vượt khó, sự bền bỉ, nỗ lực cách tân nhưng đồng thời là một bi kịch đời người. Suốt hàng thập kỷ, cái tên "Don Patricio" - như cách người hâm mộ Tây Ban Nha gọi ông - từng không được biết tới. Nhưng ngày nay, Barca, và cả Real Betis, đã đặt người đàn ông này vào đúng vị trí mà ông xứng đáng thuộc về trong bảo tàng lịch sử CLB.
Chiến tranh và scandal bán độ
Sinh năm 1887 ở Dublin, Ireland, O’Connell thời trai trẻ từng làm việc ở một tiệm bán bánh mì. Bất cứ khi nào có thể, ông dành thời gian để chơi bóng cho một vài CLB địa phương - Frankfort, Stranville Rovers và Liffey Wanderers. Đến năm 1909, ông được ký bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên, với CLB Belfast Celtic. Chơi trong vai trò của một trung vệ, O’Connell gây ấn tượng với CLB Sheffield Wednesday của Anh và được mang về (cùng hậu vệ trái Peter Warren, với mức phí tổng cộng dành cho cả hai là 50 bảng). Nhưng tại Yorkshire, sự nghiệp của O’Connell không thể cất cánh. Sau 3 năm, ông chuyển đến Hull City.
Ở đó, O’Connell được vào sân thường xuyên. Nhưng chính những màn trình diễn ở màu áo đội tuyển Ireland (lúc bấy giờ chưa độc lập khỏi Liên hiệp Anh) mới khiến ông được các CLB lớn để ý, nhất là sau chức vô địch British Home Championship lần đầu tiên và cũng là duy nhất vào năm 1914. Có giai thoại cho rằng ở giải đấu đó, trong trận quyết định với Scotland, O’Connell đã thi đấu xuất sắc dù bị... gãy tay.
Một tháng sau, O’Connell được Man Utd ký hợp đồng với giá chuyển nhượng 1000 bảng Anh. Nhưng chỉ ba tháng sau đó nữa, Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra.
Không chỉ chiến tranh, một scandal bán độ liên quan đến chiến thắng 2-0 của Man Utd trước Liverpool vào tháng 4/1915 đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp của O’Connell.
Các nhà cái thông báo một khoản tiền rất lớn đã được đặt vào cửa Man Utd thắng 2-0, với tỷ lệ đặt 1 ăn 7. Cuộc điều tra được mở ra, kết thúc với bảy cầu thủ lãnh án cấm thi đấu trọn đời. O’Connell không dính líu đến vụ việc, nhưng quả penalty hỏng của ông trong trận đấu khi đội nhà đang dẫn 1-0 dấy lên nhiều tranh cãi, nhất là ông đang mang chiếc băng thủ quân Man Utd. Có người bảo pha đá hỏng penalty ấy là bằng chứng khẳng định O’Connell không tham gia vào vụ bán độ. Nhưng cũng có người lập luận, vì biết chắc bàn thứ hai sẽ được ghi, thế nên ông mới đá hỏng.
Nhưng cuộc sống thời chiến rồi cũng khiến tất cả chỉ còn quan tâm đến chuyện mưu sinh qua ngày. Bóng đá trở thành thứ yếu. Giải vô địch quốc gia ở Anh cũng dừng thi đấu đến năm 1919. Trong suốt những năm tháng không bóng đá đó, O’Connell phải làm việc ở một nhà máy sản xuất đạn dược của London, nơi ông sống cùng người em trai Larry.
Chiến tranh qua đi, O’Connell tìm đến Scotland chơi bóng trong một mùa giải cho Dumbarton. Ông trải qua thêm một vài CLB cấp thấp ở Anh trước khi khép lại sự nghiệp quần đùi áo số trong màu áo Ashington. Cũng chính tại thành phố của những người lao động làm trong ngành khai thác than này, O’Connell bước vào công tác huấn luyện.
Và rồi ông biến mất, biến mất khỏi gia đình với vợ và bốn người con, biến mất khỏi quần đảo Anh. Những thành viên đời sau của gia đình nhà O’Connell cho biết rằng giai đoạn đó, cuộc sống hôn nhân giữa Patrick và vợ bị đổ vỡ, và ông muốn thoát đi mãi mãi. Gia đình O’Connell không biết ông đã đi về nơi đâu, mãi cho đến khi họ nhận được một lá thư kèm theo một khoản tiền Tây Ban Nha gửi đến từ Santander. O’Connell đã bắt đầu một cuộc hành trình mới ở một vùng đất mới, cũng chính là nơi thật sự khắc họa nên quãng đời còn lại của ông trong lịch sử bóng đá thế giới.
Người hùng của Real Betis
O’Connell đến Tây Ban Nha, nơi ông được nhớ đến và tôn trọng nhiều hơn ở Anh hay Ireland. Nhưng mãi đến tận ngày nay, giới sử học vẫn không hiểu vì sao một người mới chân ướt chân ráo bước vào sự nghiệp HLV như O’Connell, lại được đón nhận ngay lập tức ở bán đảo Iberia, vì sao ông lại nhận được công việc ở Tây Ban Nha.
Để giải thích cho thắc mắc này, một giả thuyết được cho là khả dĩ hơn cả, dựa trên sự phát triển của lịch sử bóng đá thế giới. Bóng đá ở các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha luôn chịu sự ảnh hưởng nhiều từ người Anglo-Saxon hay người Celt. Bóng đá, cũng như ngành đường sắt và khai thác than, được định hình thông qua ngọn cờ từ những con người thuộc quần đảo Anh khi họ đặt chân đến Tây Ban Nha hay Nam Mỹ. Đó có lẽ cũng là con đường đối với O’Connell.
Năm 1922, O’Connell thay thế một đồng hương Anh khác là Fred Pentland, làm HLV trưởng của CLB Racing Santander. Ông đưa Racing đến với năm chức vô địch của vùng, và gắn bó bảy năm với CLB này trước khi chuyển đến dẫn dắt Real Oviedo trong hai năm. Cuộc phiêu lưu tiếp tục tại Real Betis, lúc bấy giờ là một CLB hạng Hai do những người công nhân bị xa lánh bởi CLB lớn nhất thành phố là Sevilla đứng ra thành lập.
"Ông ấy đã thay đổi mọi thứ tại CLB," Julio Jimenez Heras, Giám đốc quan hệ đối ngoại của Real Betis nói trên tờ Guardian (Anh) năm 2014. "Sự chuyên nghiệp của O’Connell thật đáng nể, còn ý tưởng chiến thuật của ông thì đi trước thời đại. Chưa kể, ông ấy còn là một người đàn ông ấm áp và đầy thu hút. Các cầu thủ đều yêu quý O’Connell, người hâm mộ cũng yêu mến ông. Khắp thành phố, họ nhận ra O’Connell và kính trọng ông. Tôi nghĩ, thành phố Sevilla là quê hương thứ hai của O’Connell, ông yêu vùng đất này vì con người nơi đây sống mỗi ngày cứ như thể đó là ngày cuối cùng họ tồn tại trên trái đất".
Dưới sự lèo lái của Don Patricio, Betis giành quyền lên giải hạng Nhất năm 1932. Và ba năm sau, họ đứng trước cánh cửa của cột mốc chưa có tiền lệ trong lịch sử CLB: bước vào trận đấu cuối cùng của mùa giải với vị trí dẫn đầu và nhiều hơn Real Madrid một điểm. "Đó quả là điều phi thường, vì Betis thời ấy không có những cầu thủ hàng đầu. Đội không có đủ tiền để chiêu mộ các ngôi sao. Nhưng O’Connell đã xây dựng nên một tập thể đoàn kết, có tổ chức với ý chí tuyệt vời", Jimenez Heras nói thêm.
Đối thủ ở trận đấu cuối cùng mùa giải đó chính là đội bóng cũ của O’Connell: Santander. Đêm trước khi diễn ra trận đấu, O’Connell gặp lại những người quen năm xưa. Những cuộc trò chuyện giúp ông biết được rằng Chủ tịch của Santander bấy giờ, Jose Maria de Cossio, là một người thân Real Madrid, tuyên bố sẽ thưởng cho các cầu thủ một khoản tiền nếu họ thắng Betis. Mặc cho câu chuyện đó có thật hay không, không có bất ngờ nào xảy ra, Betis thắng thuyết phục 5-0 và làm nên chức vô địch lịch sử mùa giải 1934-1935.
Chức vô địch năm đó của thầy trò O’Connell dựa trên nền tảng của thể lực và áp dụng bẫy việt vị tiên phong. Don Patricio tận dụng triệt để sức mạnh thể chất của các cầu thủ, kết hợp cùng kỷ luật khi cấm các cầu thủ hút thuốc lá. Từ đó, ông tạo ra một hệ thống phòng ngự chắc chắn, giúp Betis chỉ thủng lưới 19 bàn, bằng phân nửa so với hầu hết các đội bóng ở giải đấu. Betis vô địch trong bối cảnh mà thời kỳ đó chứng kiến sức mạnh của những Barcelona, Real Madrid và Athletic Bilbao. Chức vô địch ấy ngang tầm với những chiến công của Brian Clough (cùng Nottingham Forrest đoạt Cup C1 các năm 1979, 1980), hay câu chuyện cổ tích của Leicester City (vô địch Ngoại hạng Anh 2015-2016).
Cũng tại Betis, O’Connell không chỉ có được sự nghiệp thành công, mà còn tìm thấy hạnh phúc trong gia đình. Ông gặp một người phụ nữ cũng đến từ Ireland, và bất ngờ thay cũng có tên Ellen với diện mạo như người vợ đầu. Họ yêu nhau và kết hôn. Câu chuyện về sự trùng hợp này là một bí mật ở Betis thời kỳ đó. Phải đến tận sau này, những tư liệu được tìm thấy mới tiết lộ.
Người cứu rỗi Barca
Thành công ở Betis giúp Patrick O’Connell lọt vào tầm ngắm của Barca. HLV người Ireland đồng ý gia nhập CLB xứ Catalonia. Theo lời của sử gia bóng đá người Tây Ban Nha, Jordi Finestres, nói trên tờ The Times (Anh): "Thời đó, Barca có rất nhiều HLV khác nhau, nhưng không một ai chuyên nghiệp như Don Patricio. Ông đến và mang theo những ý tưởng rõ ràng ngay trong cuộc phỏng vấn của mình với CLB, ông muốn trở thành một tượng đài định hình nên lịch sử Barca."
Barca vô địch ở giải đấu của xứ Catalonia và vào đến trận chung kết Cup Nhà Vua Tây Ban Nha ngay trong mùa giải đầu tiên của O’Connell. Nhưng như một định mệnh đã sắp đặt, một lần nữa, sự nghiệp của ông phải đương đầu với chiến tranh, lần này là Nội chiến Tây Ban Nha.
Chuyển đến thủ phủ của xứ Catalonia đồng nghĩa rằng O’Connell đã chọn sai phe trong cuộc nội chiến. Bối cảnh xã hội - kinh tế tồi tệ khiến CLB Barca đứng trước bờ vực khánh kiệt. Họ cho phép các cầu thủ ngoại - gồm tiền đạo người Uruguay là Enrique Fernandez và Elemer Berkessy của Hungary - được ở lại quê nhà.
Đến tháng 7/1936, nội chiến nổ ra. Giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha cũng bị tạm dừng, Barca vẫn tiếp tục thi đấu ở giải đấu của xứ Catalonia, trở thành một phần biểu tượng cho tinh thần phản kháng của cả vùng đất. Tháng 8/1936, người đã mang O’Connell về với Barca, Chủ tịch CLB Josep Sunyol - và cũng là một nhà hoạt động cánh tả - bị quân đội thân độc tài Franco bắt giữ rồi hành hình. Khi đó, O’Connell đang ở quê nhà Ireland. Ông nhận điện từ Barca, thông báo rằng hoàn toàn có thể tiếp tục ở lại, thay vì trở về CLB. Nhưng O’Connell vẫn gói ghém hành lý và trở lại Catalonia đang ngập khói lửa chiến tranh. Quyết định đó trở thành số mệnh.
Mọi tài khoản của Barca bấy giờ đều bị phong toả, CLB không còn tiền để trả lương cho ngay cả O’Connell. Nhưng bước ngoặt diễn ra vào năm 1937, một doanh nhân gốc Catalonia di cư sang Mexico có tên Manuel Mas Soriano, đề xuất gây quỹ ủng hộ Barca bằng việc kêu gọi CLB nên thực hiện một tour du đấu đến với quê hương thứ hai của ông ta, cũng là nơi có nền chính phủ chống Phát-xít Franco.
Không còn sự lựa chọn nào khác, Barca đồng ý. O’Connell kêu gọi các cầu thủ và đội ngũ ban huấn luyện. Họ giăng buồm sang Mexico. Ở đó, Barca thi đấu biểu diễn sáu trận, trước khi chơi thêm 4 trận giao hữu nữa tại New York (Mỹ). Tour du đấu ấy khiến đội hình Barca bị mất phần lớn cầu thủ, nhiều người quyết định ở lại Mexico để nương tựa, một số khác chọn đến Pháp để tránh chiến tranh. Khi trở về, Barca chỉ còn đúng bốn cầu thủ và người thuyền trưởng O’Connell. Bù lại, chuyến đi 15 ngày sang Bắc Mỹ ấy giúp CLB xứ Catalonia thu về một khoản tiền được chuyển vào tài khoản bí mật lập ở Pháp, đủ để tiếp tục duy trì hoạt động. O’Connell cũng trở về quê hương Ireland sau đó ít lâu, nhưng ông cam kết sẽ tiếp tục gắn bó với tương lai Barca
Don Patricio giữ lời. Ông trở lại Tây Ban Nha khi Chiến tranh Thế giới thứ hai diễn ra. Chỉ có điều, những vinh quang không được tiếp tục viết nên. O’Connell thậm chí còn có giai đoạn ngắn dẫn dắt chính CLB Sevilla, nhưng chỗ đứng của ông trong lòng người hâm mộ Real Betis thì không bao giờ bị lung lay. Thậm chí, năm 1954, CLB này còn tổ chức một trận đấu biểu diễn để quyên góp tiền ủng hộ người cựu HLV của họ, khi hay tin O’Connell gặp khó khăn tài chính.
Tờ Guardian của Anh kể lại rằng, vào tháng 11/1955, một người thanh niên có tên Dan O’Connell bước vào một quán bar nhỏ ở Dublin, Ireland, nơi những cầu thủ Tây Ban Nha đang ăn mừng trận hoà 2-2 với CH Ireland. Dan O’Connell hỏi họ có từng nghe đến cái tên Patrick O’Connell hay không. Những cầu thủ này trả lời rằng họ có thể dễ dàng tìm ra ông ở Sevilla. Chàng trai ấy bắt đầu cuộc hành trình xuôi về nam Âu để tìm kiếm người cha mà anh đã mất liên lạc từ bé. Cuộc tìm kiếm ấy không có cái kết đẹp.
Patrick O’Connell được cho là đã trở lại London. Ông sống trong một căn phòng gác mái ở nhà của người em trai Larry, không việc làm, cơ cực với cuộc sống không bóng đá. O'Connell thậm chí nghiện rượu và có lúc phải xin tiền người đi đường. Quyển sách mang tên "Người đàn ông từng cứu rỗi FC Barcelona", do người vợ của cháu nội Don Patricio - Sue O’Connell chấp bút, có đoạn: "Sự nghiệp bóng đá của Patrick O’Connell là phi thường, nhưng nó đi kèm với một cái giá đắt. Ông là một người đàn ông thể thao tuyệt đỉnh, nhưng là một người chồng, người cha tầm thường".
Năm 1959, O’Connell qua đời ở tuổi 71 vì bệnh viêm phổi ở một nhà trọ từ thiện gần ga King’s Cross. Ông được chôn cất ở nghĩa trang của Nhà thờ St Mary’s trên đường Kensal phía Tây Bắc London. Chỉ có người em trai Larry đến dự tang lễ của ông. O’Connell ra đi trong quên lãng, nhưng di sản mà ông để lại, thì trường tồn tại Betis và Barca.
Hoàng Thông