Bác sĩ Tống Hồ Từ Phương, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ngày 27/6, cho biết bé sốt 7 ngày liên tục, quấy khóc, ăn uống ít. Ba ngày trước, bé quấy khóc nhiều hơn, miệng hôi, ngủ ngáy nhiều, nuốt khó và sốt cao hơn.
Tối 26/6, người nhà đưa đến khám. Bác sĩ thấy khối amidan bên trái to, đẩy lệch lưỡi gà sang bên phải. Bác sĩ cho bé nhập viện, tiêm và truyền kháng sinh và chụp CT Scan cản quang đánh giá xem ổ áp xe có lan ra thành sau họng hay lan xuống trung thất (lồng ngực) hay không.
Kết quả CT Scan ghi nhận ổ mủ ở quanh amidan bên trái thông với ổ áp xe thành sau họng. Bác sĩ mổ cấp cứu, rạch áp xe thoát mủ và bơm rửa nhiều lần, hút được khoảng 10ml mủ màu xanh nâu, lượng nhiều so với bé 14 tháng tuổi.

Mủ màu nâu xanh quanh amidan bé gái được bác sĩ phẫu thuật hút ra. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
Bệnh nhi tiếp tục điều trị kháng sinh 7-10 ngày, nuôi ăn qua ống thông dạ dày và theo dõi diễn tiến của bé.
Theo bác sĩ Phương, trường hợp này nếu đến khám trễ hơn thì hậu quả có thể nặng nề. Ổ áp xe có thể vỡ rộng, mủ tràn ồ ạt vào đường thở, gây ngạt dẫn đến tử vong. Nếu ổ mủ vỡ miệng nhỏ, mủ tràn vào phổi gây viêm phổi, nhiễm trùng huyết... thì tiên lượng dè dặt.
"Trường hợp bé đến trễ nhưng ổ áp xe không vỡ mà lan xuống thấp gây áp xe trung thất, chèn ép tim, vỡ động mạch cảnh, nhiễm trùng huyết, phải mở ngực xử lý thì tiên lượng dặt và khả năng dẫn đến tử vong", bác sĩ Phương chia sẻ.
Bác sĩ Phương nhận định, Covid-19 đang phức tạp khiến nhiều phụ huynh lo sợ khi phải đến bệnh viện. Vì thế những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, cần uống kháng sinh cũng như nhập viện khi cần thiết, không được ba mẹ điều trị đúng, thường có xu hướng để bé tự vượt qua bệnh, dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Theo bác sĩ Phương, amidan đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường hô hấp bằng cách ngăn chặn sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, nấm và virus. Đồng thời, amidan tiết ra các kháng thể chống lại nhiễm khuẩn do các tác nhân gây bệnh.
Viêm amidan là bệnh phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi trong cộng đồng, gây ra những triệu chứng như đau rát họng, khó nuốt. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, diễn biến của bệnh có thể trở nên nặng hơn, thậm chí dẫn tới nhiễm khuẩn máu, viêm hệ hô hấp, viêm cầu thận, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, áp xe quanh amidan, áp xe thành sau họng và lan xuống gây áp xe trung thất...
Viêm amidan cấp tính thường gây sốt 39-40 độ, nóng lạnh, đau họng, khi nuốt sẽ đau lên lỗ tai, hôi miệng, khó thở, ăn buồn nôn, nôn, sờ đau hạch vùng cổ hai bên, chán ăn.
Trong khi đó, viêm amidan mạn tính có triệu chứng không điển hình và khá nghèo nàn. Đây là tình trạng viêm tái lại nhiều lần với các triệu chứng tương tự như viêm amidan cấp tính, nhưng có thêm những dấu hiệu như hơi thở hôi dù đã được vệ sinh răng miệng sạch sẽ, có thể sốt về chiều, khi nuốt có cảm giác vướng ở cổ họng, ho khan từng cơn, đặc biệt ho kéo dài khi ngủ dậy vào buổi sáng, rát họng...
Trẻ nhỏ có một số các triệu chứng khác như quấy khóc, chảy nước dãi do tăng tiết dịch, chán ăn, thở khò khè và nghe thấy tiếng ngáy khi ngủ. Một số trường hợp viêm amidan sưng to đến nỗi gây chẹn họng và khiến người bệnh khó thở, ngủ ngáy, ngừng thở khi ngủ.
Viêm amidan có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt trẻ em và thanh thiếu niên dễ mắc hơn. Để phòng ngừa, cần thường xuyên vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ hàng ngày, ăn uống và sinh hoạt hợp lý, hạn chế tiêu thụ các đồ uống và thức ăn lạnh, tránh sử dụng chung các vật dụng với người mắc viêm amidan như thức ăn, cốc uống nước, đồ dùng cá nhân, điều trị khỏi các bệnh đường hô hấp.
Bác sĩ Phương khuyến cáo, trường hợp viêm amidan nhẹ không nhất thiết phải sử dụng các biện pháp điều trị, chỉ như cảm lạnh do virus gây ra. Viêm amidan nặng cần dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định bác sĩ và phẫu thuật cắt amidan sau khi điều trị đợt cấp amidan ổn.