Trung sĩ 37 tuổi nằm trong số hơn 290.000 cựu chiến binh đang kiện tập đoàn 3M, với cáo buộc 3M cố tình bán nút tai bị lỗi, gây ra các vấn đề về thính giác.
Trong những lần triển khai ở Iraq năm 2006 và Afghanistan năm 2013, Sigmon cho biết: "Tôi và những người bạn đã nói về việc nút tai không hoạt động. Khi bạn bắn súng trường, bạn vẫn có thể cảm thấy như bị kim châm trong tai. Bạn có thể cảm thấy cơn đau buốt tai đó, như thể chiếc nút tai chẳng giúp ích gì".
Khi phàn nàn với cấp trên, các binh sĩ đều được khẳng định chắc nịch, nó có hoạt động và đang bảo vệ thính lực của họ. Nhưng khi xuất ngũ, các vấn đề về thính giác của Sigmon bắt đầu. Anh bỏ lỡ các cuộc trò chuyện với bạn bè và gia đình. "Tôi không nghe thấy gì. Mọi người xung quanh đã thất vọng vì họ nghĩ rằng tôi đã phớt lờ họ", anh đau khổ nói.
Sigmon, hiện sống ở Newton, North Carolina, cho biết luôn thấy tai ù đi, ngay cả những lúc nửa đêm tĩnh mịch cũng có thể nghe thấy những tiếng như trống lệnh dội vào tai mình và mất ngủ cả đêm. "Tôi kiệt sức và gần như bị điếc", anh than.
Sigmon ban đầu không định làm gì với cái tai điếc của mình, nhưng con gái anh khăng khăng đi cùng bố đến Bệnh viện Cựu chiến binh. Và đây là lúc Sigmon nhận ra, mình không phải nạn nhân duy nhất của những chiếc nút tai kém chất lượng.
Mất thính giác là một vấn đề kinh niên đối với các cựu quân nhân Mỹ. Cơ quan Quản lý Y tế Cựu chiến binh nước này cho biết họ đã điều trị cho 444.796 cựu chiến binh bị mất thính lực và 161.830 người bị ù tai, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018. Tất cả họ đều sử dụng sản phẩm nút tai của 3M trong thời gian tại ngũ.
"Bất cứ thứ gì trên 90 decibel đều gây đau đớn cho thính giác, và các quân nhân thường xuyên trải qua mức âm thanh lên đến 150 decibel trong huấn luyện và chiến đấu", chuyên gia thính học Fenja Mattson cho biết. Đó là lý do tại sao nút tai có mặt ở khắp các vùng chiến sự trên thế giới. Chúng là một phần của đồ bảo hộ, giống như mũ bảo hiểm hoặc áo khoác, tức là cũng có chức năng bảo vệ tính mạng người lính.
Sản phẩm tai tiếng này có tên "Combat Arms", màu xanh lá cây và màu vàng được thiết kế riêng cho quân đội Mỹ để chặn tiếng ồn nếu bị nhét vào một hướng. Khi lắp theo hướng khác, chúng được thiết kế để phát ra tiếng nói gần đó nhưng vẫn bảo vệ tai khỏi những tiếng ồn có hại.
Song các nguyên đơn cáo buộc 3M đã biết trong nhiều năm rằng nút tai chống ồn có xu hướng bám tai kém và phát ra nhiều âm thanh hơn so với quy định, thay vì chống âm thanh. Họ cáo buộc 3M đã che giấu các sai sót trong thiết kế, giả mạo kết quả thử nghiệm và không cung cấp hướng dẫn sử dụng nút tai đúng cách.
3M, tập đoàn có lịch sử 120 năm với tổng tài sản hơn 33.000 tỷ USD, có trụ sở tại Minnesota, sản xuất các sản phẩm từ khẩu trang N95 đến băng dính. Trong một tuyên bố ngay sau những đơn kiện đầu tiên, hồi đầu năm 2018, họ khẳng định nút tai Combat Arms "không bị lỗi".
Công ty cho biết thiết kế của nó phản ánh những đặc điểm mà quân đội yêu cầu, và chính phủ Mỹ không chỉ giám sát việc tạo ra sản phẩm mà còn chịu trách nhiệm đào tạo binh lính sử dụng chúng đúng cách.
Các tài liệu đưa ra trong vụ kiện cho thấy nút bịt tai Combat Arms mang lại lợi nhuận cao: Sản phẩm này tiêu tốn cho khâu sản xuất chỉ 0,85 USD một đôi và được bán với giá 7,63 USD, tức lợi nhuận cao gấp 9 lần.
Song 3M cam kết rằng việc sản xuất nút tai cho quân đội, luôn là một sứ mệnh thiêng liêng quan trọng, "không đơn thuần là việc kiếm tiền". Khẩu hiệu của công ty cho nút tai Combat Arms mà họ bán cho quân đội Mỹ là "Bạn bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi bảo vệ bạn". Nhưng rõ ràng, các cựu quân nhân đang lên án slogan này, là một lời dối trá
Từ đầu năm 2018, các đơn kiện của cựu quân nhân ồ ạt đổ về Toà án liên bang ở Florida, tính đến nay đã lên đến gần 300.000. Tai tiếng khiến cổ phiếu 3M tụt dốc thê thảm.
Đầu năm 2018, nhằm hạ hoạ cho những khủng hoảng này, 3M đồng ý ký một thoả thuận với Bộ Tư pháp Mỹ. 3M bị cáo buộc cố ý cung cấp cho quân đội những nút tai bị lỗi, và không tiết lộ lỗi thiết kế này cho Bộ. 3M đã nhất trí trả 9,1 triệu USD để giải quyết sự việc, song không thừa nhận hành vi sai trái. Các quân nhân, do đó, quyết tự mình theo đuổi công lý.
Trái đắng đầu tiên 3M phải hứng chịu đã đến ngay từ phiên toà đầu tiên. Ngày 30/4, bồi thẩm đoàn liên bang Florida đã phán quyết 3M phải trả 7,1 triệu USD cho 3 cựu chiến binh về các khiếm khuyết trong sản phẩm nút tai chống ồn.
Ngày 20/5 vừa qua, bồi thẩm đoàn ở Pensacola, bang Florida vừa yêu cầu 3M phải trả 77,5 triệu USD cho một cựu chiến binh khác. Đây là mức bồi thường lớn nhất dành cho một cá nhân trong vụ kiện tụng kéo dài 4 năm nay, về chiếc nút tai của 3M.
Hàng nghìn vụ kiện khác cũng đang được rục rịch lên lịch xét xử. Tính đến hết hôm nay, các cựu quân nhân đã thắng kiện 3M trước tòa đã được tuyên bồi thường gần 300 triệu USD. Song 3M không có ý định xuống tiền, họ kháng cáo.
Ngày nay, các vụ kiện 3M về sản phẩm nút tai Combat Arms vẫn là một trong những vụ kiện tụng liên khu vực lớn nhất trong lịch sử Mỹ, cũng là một trong những vụ kiện thương mại có lượng nguyên đơn lớn nhất lịch sử nước này.
Nỗi lo về các khoản nợ tiềm ẩn liên quan đến vụ kiện tụng tiếp tục đè nặng lên cổ phiếu 3M, vốn đã giảm 26% trong năm qua tính đến thứ Sáu. 3M không trích lập dự phòng cho những khoản nợ tiềm tàng đó.
Hải Thư (Theo WSJ, NBC, Washington Post)