Ngày 22/5, ông Hoàng Việt Hưng, Phó giám đốc phụ tránh Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cho biết đã có 57/110 hộ dân ký vào biên bản cam kết không cản trở thi công đường cao tốc. Sau khi có đủ chữ ký của 2/3 hộ dân, đơn vị sẽ cho thi công trở lại sau nhiều ngày gián đoạn.
Trước đó ngày 17/5, sau khi nhận dự toán tiền được hỗ trợ sửa chữa nhà cửa bị hư hại do thi công cao tốc đoạn qua thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam), hàng chục người dân đã tụ tập trong đường hầm gần đó để cản trở vì cho rằng khoản tiền quá ít. Đây là lần thứ hai người dân kéo vào hầm cản trở các công nhân thi công nhằm gây sức ép.
Theo người dân, từ gần một năm nay việc nổ mìn trong quá trình làm hầm trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã gây hư hỏng nhà của 110 hộ dân thôn Chiêm Sơn cách đó khoảng 500 m. Sau khi người dân báo cáo với chính quyền địa phương đồng thời kéo vào hầm để phản đối, đơn vị thi công đã mời công ty bảo hiểm để giám định thiệt hại rồi lên danh sách hỗ trợ.
Ngày 13/5, các hộ dân này nhận được dự toán tiền hỗ trợ sửa chữa nhà. Theo đó, tổng số tiền được hỗ trợ dự kiến là 130 triệu đồng, tuy nhiên đơn vị giám định cho rằng một số vết nứt xuất hiện từ trước đó nên các hộ dân chỉ nhận được hơn 98 triệu đồng. Trong đó hộ được đền bù cao nhất chưa đến 4,2 triệu đồng, hộ thấp nhất chỉ 1.667 đồng. Ngoài ra, nhiều hộ khác được định giá sửa chữa chưa tới 20.000 đồng.
Ông Lưu Ba, người được hỗ trợ ít nhất cho biết, ngôi nhà gia đình đang ở được xây cách đây 2 năm và bị nứt khi công nhân nổ mìn làm hầm. “Sau khi phản ứng, họ về đo đạc 2 vết nứt trước hiên nhà và phòng ngủ rồi đưa ra số tiền khắc phục là 30.000 đồng, tuy nhiên họ chỉ hỗ trợ chưa đến 2.000 đồng vì cho rằng các vết nứt này có từ trước”, ông Ba nói.
Tương tự nhà ông Ba, nhà bà Hồ Thị Khảo (56 tuổi) được giám định nứt nhiều vị trí, trong đó có một số vết rộng kéo dài có thể đưa lọt ngón tay nhưng trong hồ sơ chỉ hỗ trợ 577.000 đồng sửa chữa. “Các vết nứt chạy dọc khắp nhà, nhìn vậy thôi chứ chắc kết cấu bên trong cũng bị hỏng hết rồi. Đổ sập lúc nào không hay”, bà Khảo nói và khẳng định các vết nứt này là do việc nổ mìn gây ra chứ từ trước đến giờ không có.
Trước nhà bà Khảo là miếu thờ của xóm được xây dựng năm ngoái, theo các hộ dân sau khi hoàn thành được vài tháng thì nhiều vết nứt xuất hiện do việc nổ mìn nhưng trong hồ sơ dự toán cũng chỉ hỗ trợ 79.000 đồng cho việc sửa chữa.
“Họ chỉ hỗ trợ chi phí sửa chữa bên ngoài như quét vôi ve, xử lý nứt tường mà không tính đến kết cấu bên trong bị hư hỏng, điều mà chúng tôi đang lo ngại”, người dân cho hay.
Sau khi bị người dân phản ứng, ngày 19/5 các đơn vị liên quan đã vào đường hầm để vận động bà con về nhà đồng thời đưa ra một bản dự toán mới. Theo đó, tổng số tiền được tăng lên hơn 400 triệu đồng, trong đó hộ ông Lưu Ba thay vì được chưa đến 2.000 đồng sẽ tăng lên 179.000 đồng. Ngoài ra các đơn vị này còn hứa cho thêm 500.000 đồng đối với những hộ được hỗ trợ ít như ông Lưu Ba.
Tuy nhiên, người dân tiếp tục phản ứng vì cho rằng bản danh sách này không có căn cứ. “Họ chưa có giám định lại mà đã đưa ra con số mới này, trước đây dự kiến tôi được nhận gần 800.000 nghìn đồng nay tăng lên hơn 2 triệu đồng theo danh sách mới. Nhưng cũng có một số hộ lại tăng từ 500.000 đồng lên 3 triệu là không công bằng, không có cơ sở”, ông Lê Mốt (41 tuổi) bức xúc.
Giải thích về lý do một số hộ dân chỉ được dự tính đền bù với số tiền quá ít, đại điện Công ty bảo hiểm giải thích là dựa vào kết quả giám định. Khi nhận hợp đồng bảo hiểm vật chất, công ty đều thuê một đơn vị độc lập đo đếm mức độ thiệt hại và áp theo khung quy định để tính toán tiền bồi thường. Công ty thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư sau đó gửi dự toán để họ cung cấp cho dân chứ không trực tiếp làm việc với dân.
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị chủ đầu tư cho hay đã yêu cầu đơn vị thi công phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giám định, tính toán lại để tạo điều kiện cho công nhân làm việc trở lại.
Sau khi hoàn thành công việc trên, các đơn vị này sẽ trao đổi để thống nhất phân chia giá trị đền bù trên cơ sở tuân thủ những điều khoản của hợp đồng đã ký kết và những quy định của Nhà nước. Dự kiến đến ngày 24/5, việc giám định thiệt hại của 110 hộ dân sẽ hoàn tất.
“Quan điểm của nhà thầu sẽ tuân theo cách tính của huyện để làm cơ sở đền bù cho dân. Sau khi huyện phê duyệt dự toán, chính quyền xã sẽ công bố cho các hộ dân để chi trả tiền đền bù”, đại diện chủ đầu tư nói.
Tiến Hùng