Các bệnh lý ở họng, thực quản dễ gây nuốt khó. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống. |
Nuốt khó là tình trạng cần nhiều thời gian và nỗ lực để đưa thức ăn nước uống từ miệng xuống dạ dày, đôi khi kèm đau, có khi không nuốt được. Ước tính có tới 35% người trên 50 tuổi có cảm giác nuốt khó ít nhất một lần trong tuần.
Triệu chứng này có thể gặp trong các bệnh lý như:
- Tâm vị không giãn: Cơ thắt ở đoạn dưới thực quản không giãn đúng cách để thức ăn vào dạ dày, bệnh thường kèm theo yếu cơ thành thực quản.
- Hẹp thực quản do sẹo: Thường do biến chứng của bệnh lý trào ngược dạ dày-thực quản.
- Rối loạn co bóp thực quản: Thường xuất hiện từng đợt và nặng dần theo thời gian.
- Các khối u thực quản, ung thư thực quản: Thường nuốt khó tăng dần, lúc đầu nuốt khó với thức ăn, sau với nước uống, thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy khó.
- Có các túi thừa ở hầu, thực quản, khiến thức ăn có thể đọng lại.
- Nuốt khó do nguyên nhân miệng hầu: Chủ yếu là các rối loạn và thương tổn về thần kinh như bệnh parkinson, đột quỵ não hoặc các thương tổn vùng cột sống...
Nuốt khó nếu không được tìm căn nguyên để điều trị sẽ gây ra các biến chứng như suy dinh dưỡng, rối loạn nước và điện giải do bệnh nhân không ăn uống được. Tuy nhiên, điều quan trọng là nếu coi thường triệu chứng nuốt khó, có thể bạn không biết minh đang mắc bệnh nguy hiểm để chữa trị kịp thời.
Do đó, khi thấy nuốt khó, nên đi khám để tìm nguyên nhân. Các xét nghiệm thường được chỉ định là chụp X-quang thực quản cản quang, đo áp lực thực quản, độ pH thực quản 24 giờ, siêu âm, nội soi...
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)