Đầu giờ chiều, vào một ngày đông lạnh, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ ngay mặt đường của vợ chồng anh Lê Đình Trọng (sinh năm 1972) thuộc xóm 8, xã Hùng Thành, Yên Thành, Nghệ An. Lúc ấy, vợ anh Trọng đang trồng rau trong vườn, còn anh đưa con đi chơi bên nhà hàng xóm. Nghe tin nhà có khách, anh Trọng điều khiển chiếc xe ba bánh về ngay. Trên xe, hai bố con cười tươi “bố con tui đi chơi như thế này đây”. Mời khách vào nhà, hai vợ chồng rôm rả nói chuyện.
Trọng là con trai thứ 6 trong gia đình nông dân nghèo, có 8 anh chị em. Bảy anh chị của Trọng đều sinh ra và lớn lên khỏe mạnh, lành lặn. Theo như lời mẹ kể lại, lúc nhỏ anh sinh ra cũng khỏe mạnh như anh chị ngày trước. Nhưng thời điểm đó máy bay Mỹ ném bom, đánh phá nhiều, nên mẹ con phải nằm ở dưới hầm. Hầm đào sâu, thời tiết ẩm ướt, chỗ mẹ con Trọng nằm đã được kê lên, sau đó trải một lớp nilon để nằm, mỗi lần đi lại thì nước lắp xắp bàn chân.
Một tháng nằm ở hầm, thiếu thốn ánh sáng, lại sống trong môi trường ẩm ướt, nên khi lên khỏi hầm được gần hai năm thì Trọng đổ bệnh. Toàn Thân sưng phù, lúc đó bố mẹ đưa đi khám ở bệnh viện huyện, nhưng bác sĩ giới thiệu thẳng ra bệnh viện Hà Nội. Một năm sống tại bệnh viện Hà Nội, sau đó bác sĩ kết luận đây là căn bệnh chưa từng thấy. Bệnh mỗi lâu một nặng thêm không có khả năng chữa trị, gia đình phải đưa Trọng về quê trong buồn rầu, thất vọng.
Từ đây cơ thể anh cứ yếu dần, gân cốt bị lệch đau đớn lưng và cổ thẳng đơ, không cử động được, xương khớp bị hoại, thoái hóa, hai chân teo hết. Anh chỉ còn 2 cánh tay được vận động nhiều hơn nên chưa bị biến dạng. Lúc này mọi hoạt động của anh đều phụ thuộc vào bố mẹ. Họ bế lên đặt ở đâu thì anh ngồi ở đấy. Lớn lên khi thấy anh chị, bạn bè được vui chơi, đi học, anh thèm lắm. Anh muốn được đi học như anh chị, như các bạn nhưng vì trường quá xa, gia đình đông anh chị em, nghèo đói, phương tiện đi lại thì không có. Thế nên dù có ước ao, hy vọng bao nhiêu thì anh lại càng thất vọng hơn bấy nhiêu.
Hàng ngày, khi anh chị, bạn bè đến trường, anh chỉ biết ngồi một chỗ ở nhà và bầu bạn với chiếc TV cũ. Qua TV, anh biết thêm nhiều về cuộc sống, xã hội và học hỏi được thêm nhiều điều. Cứ thế, tầm nhìn anh cũng được mở mang, vốn sống của anh ngày cũng một nhiều. Tuy ngồi một chỗ nhưng anh không hề mặc cảm, vẫn vui vẻ, hòa đồng như bao đứa trẻ khác. Năm anh 16 tuổi là khoảng thời gian đáng nhớ nhất. Vì đây là thời kỳ dậy thì, nên anh thấy hai cánh tay khỏe ra, phát triển đầy đặn. Anh dùng hai tay, nâng cả cơ thể lên rồi bò đi lại được, từ nhà ra đồng, sang nhà hàng xóm…
Tuy di chuyển vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng anh bớt phụ thuộc vào bố mẹ, và đi chơi, giao lưu với các bạn gần nhà. Thời gian đó tuy khó khăn, vất vả nhưng bố mẹ anh đã tích góp rồi mua được miếng đất mặt đường. Sau đó, họ mở cửa hàng bán vài ba gói bánh kẹo, đồ điện và nhiều thứ linh tinh. Anh vốn có tính ham học hỏi, mày mò, nên mỗi lần thấy bố mẹ lấy đồ điện về bán cho khách là anh lại mở đồ mới ra, rồi tìm hiểu các bộ phận bên trong, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu thì lắp lại như cũ.
Sau nhiều lần như thế, rồi dần thành quen, mỗi dụng cụ bằng điện, anh đều nhớ hết các bộ phận, chi tiết và biết sửa. Làm nhiều thành quen nên anh Trọng sửa được khá nhiều đồ điện trong nhà. Ban đầu hàng xóm biết anh sửa được đồ điện sử dụng trong nhà nên hay mang đến nhà anh sửa. Nhiều lần sửa đồ nhà, sửa giúp và những lần tháo gỡ đồ mới ra nghiên cứu, anh có nhiều kinh nghiệm và mở dịch vụ sửa chữa đồ điện tại nhà.
Dù tật nguyền nhưng Trọng có duyên ăn nói, tính tình vui vẻ, hòa nhã nên được mọi người yêu mến. Khi anh được bố mẹ sắm cho xe máy ba bánh, tối nào anh cũng đi chơi với thanh niên trong xóm. Chiếc xe ba bánh của anh đi trong xã, tới các xã lân cận, cứ nơi nào có bạn gái là anh và bạn đều đi. Khi đến nhà bạn gái thì bạn bè bế anh xuống xe vào nhà. Thời điểm này, có khá nhiều cô gái thương anh và muốn làm vợ anh. Nhưng vì ốm yếu, tật nguyền nên anh từ chối sự quan tâm đó. Năm anh lên tuổi 38, mẹ anh mất. Lúc đó, anh đã làm được nhà, rồi buôn bán tạp hóa, đồ điện, sửa chữa đồ điện, tuy chưa nhiều nhưng đó cũng là một công việc. Anh còn được bà truyền lại bí quyết chữa bệnh gia truyền bằng thuốc Nam nên cũng đã chữa được một số bệnh cho nhiều người.
Về cơ bản, anh đã tự nuôi sống được bản thân mình. Trong một lần sang chơi nhà bạn ở xã bên, tình cờ anh gặp chị Phạm Thị Công (sinh năm1979). Cô gái khá xinh, hiền lành nết na khi thấy anh Trọng khéo ăn nói nên phải lòng. Anh dù luôn mơ ước có một mái ấm nhưng cũng không hề dám nói. Cho đến khi chị Công một lòng quyết lấy anh, chị đã mạnh dạn thổ lộ tình cảm. Tình yêu sét đánh đã vượt qua mọi rào cản. Hai người kết hôn trong sự vui mừng, chúc phúc của đông đảo bà con trong xóm. Ngày cưới anh chị, bao nhiêu người trong làng, ngoài xóm đến xem ai cũng thán phục chị Công. Sau đám cưới của anh chị, có nhiều đôi trong xã và xã lân cận gặp trường hợp như anh cũng nên chồng, nên vợ.
Sau khi cưới nhau, vợ chồng anh tuy khó khăn vất vả nhưng cố gắng. Vợ làm ruộng đủ lúa, rau để ăn, chăn nuôi thêm ít ngan, gà, bán kiếm tiền, cải thiện bữa ăn. Chồng ban ngày trông con, bốc thuốc, tối tranh thủ sửa đồ điện kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, mua sữa, thức ăn cho con... Mùa hè, chị còn bán chè để tăng thêm thu nhập. "Vợ chồng tôi làm gì có thời gian nghỉ ngơi, nhưng chúng tôi thương nhau, chỉ mong ông trời cho sức khỏe để nuôi con cái", chị Công bộc bạch.
Ngồi trên xe lăn, cổ không thể ngoảnh, sống lưng, gân cốt đã lệch hết nhưng đêm anh Trọng vẫn thức tới 12h để sửa đồ điện, nghiên cứu các loại thuốc gia truyền. Tuy số tiền kiếm được từ việc sửa chữa, bốc thuốc còn ít, nhưng phần nào cải thiện được bữa ăn cho hai cô con gái và trang trải cuộc sống. Điều anh luôn cảm thấy khó khăn là không được học hành. Vì xã hội ngày càng phát triển, đồ điện sẽ hiện đại hơn và công việc sửa chữa sẽ khó hơn nhiều. “Nhưng không sao, khi có vợ và hai con gái thì tôi lại càng cố gắng vì vợ, con”, anh Trọng chia sẻ.
Niềm hạnh phúc của anh là có được người vợ lành lặn thương yêu và hai cô con gái kháu khỉnh, xinh xắn. Đó là nguồn động lực để anh tiếp tục sống, cố gắng và phấn đấu hơn nữa.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Hoàng Thị Việt