Cuối 2012, anh Nguyễn Ngọc Hiệp ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn đi thăm bạn bè làng chài Vạn Giã, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bất ngờ trước hiệu quả mô hình kinh tế nuôi tôm hùm lồng xuất khẩu. Nghe bạn gợi ý, hướng dẫn cách làm lồng nuôi, chọn con giống, thức ăn, phòng bệnh, đầu năm 2013, anh trở về huyện đảo quê nhà tìm mua tôm hùm giống với giá 350.000 đồng mỗi con mang về nuôi. Thấy tôm phát triển tốt, anh Hiệp tiếp tục mở rộng đến nay 30 lồng nuôi tôm hùm xuất khẩu với 1.300 con. Mỗi lồng bè anh kết nối 6 thùng phuy nhựa, xốp làm phao nổi kết hợp nhiều thanh gỗ, các loại lưới... với mật độ nuôi từ 50 đến 150 con tôm hùm giống. Bên trên bè, gia đình anh còn làm 1 căn nhà nhỏ dùng trông nom bảo vệ và chứa thức ăn hàng ngày cho tôm. Lồng tôm được đặt ở vùng kín gió, cố định bằng các dây thừng vào giữa các thanh gỗ giằng ngang, dọc tránh chao đảo. Đáy lồng cách mặt biển khoảng 6m, đảm bảo môi trường tự nhiên cho tôm phát triển. Thống kê của UBND huyện đảo Lý Sơn, đến nay đã có 6 hộ dân nuôi với hơn 100 lồng bè tôm hùm cách bờ khoảng 300m ở vùng biển thôn Đông, xã An Hải. Do tôm hùm có giá trị kinh tế cao nên trên mỗi lồng bè ngoài người bảo vệ còn có chú chó khôn ngoan túc trực suốt ngày đêm chống trộm. Theo anh Hiệp, vốn đầu tư lồng bè, mua con giống tôm hùm mỗi gia đình phải chi phí ít nhất từ vài trăm triệu đến một tỷ đồng. Tôm hùm chủ yếu sống ở tầng đáy nên mật độ nuôi được tính theo diện tích đáy lồng. Tùy vào kích cỡ tôm, mức độ đầu tư, điều kiện môi trường có thể nuôi với mật độ cao hay thấp. Ðối với tôm giống có kích cỡ mỗi con từ 100g trở lên có thể thả nuôi với mật độ từ 8 -10 con/m2. Nguồn thức ăn cho tôm hùm ở huyện đảo Lý Sơn dồi dào gồm sò, cá tạp, cua, ghẹ, cầu gai... . Mỗi ngày cho tôm hùm ăn 2 lần vào các buổi sáng sớm và chiều tối, chủ yếu cho ăn tươi. Anh Bùi Thanh Hùng, một hộ nuôi tôm hùm lồng ở đảo Lý Sơn cho biết thêm, khó khăn nhất trong nghề này là tìm con giống, vận chuyển về đảm bảo khỏe mạnh trước khi thả xuống lồng nuôi. Mặt khác, mỗi khi có gió bão di dời lồng vào bờ môi trường nước thay đổi con tôm dễ mắc bệnh, chậm lớn. Theo anh Hùng, trong quá trình nuôi phải thường xuyên lặn kiểm tra lồng, tình trạng tôm, lượng thức ăn thừa hay thiếu để xử lý kịp thời. Ðịnh kỳ 10 đến 15 ngày vệ sinh lồng nuôi một lần đảm bảo môi trường sạch sẽ thông thoáng cho con tôm hùm phát triển tốt. Sau 12 đến 15 tháng nuôi, các chủ lồng bè có thể xuất bán tôm hùm với trọng lượng từ 1kg đến gần 1,5kg. Theo giá thị trường hiện nay, thương lái từ đất liền ra đảo mua mỗi kg tôm hùm với giá 2 triệu đồng. "Những ngày qua, tôi lần lượt xuất bán tôm hùm con nào cũng nặng hơn một kg mang về doanh thu cao hơn một tỷ đồng. Nếu giá cả ổn định thế này thì trong vụ nuôi đầu tiên này gia đình tôi chẳng những thu hồi vốn đầu tư mà còn lãi tiền tỷ", anh Hiệp hồ hởi. Cùng với việc nuôi con tôm hùm thương phẩm, anh Hiệp cùng một số người dân ở huyện đảo Lý Sơn đang thí điểm gây nuôi giống trong môi trường biển tự nhiên để phát triển nghề nuôi tôm hùm xuất khẩu bền vững. Trao đổi với VnExpress.net sáng 14/2, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết đây là mô hình mới, có triển vọng mang lại thu nhập cao cho bà con ngư dân huyện đảo. Mặc dù các hộ dân mới nuôi tôm hùm xuất khẩu vụ đầu tiên ở vùng biển đảo Lý Sơn nhưng họ đã thành công, thu lãi lớn từ nghề này. " Năm 2014, chúng tôi tiến hành quy hoạch vùng biển quanh đảo, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; khuyến khích bà con ngư dân mở rộng mô hình nuôi tôm hùm xuất khẩu vừa nâng cao thu nhập hộ gia đình vừa góp phần thúc đẩy kinh tế biển địa phương phát triển nhanh chóng", bà Hương nhấn mạnh. Trí TínNgư dân miền Trung trúng bạc tỷ từ tôm hùm nhí Cái chết của dự án nuôi tôm công nghiệp lớn nhất miền Tây