Bé gái chào đời nặng 800 g, sau hơn 1,5 tháng nuôi dưỡng trong phòng hồi sức sơ sinh đã đạt cân nặng hơn 2,2 kg, ngày 15/6. Bé ngủ ngoan, bú sữa mẹ, không có các vấn đề về mắt, thần kinh như lo ngại ở trẻ sinh cực non tháng. Hành trình dưỡng thai ở mẹ đến chăm sóc đầu đời cho bé là nỗ lực nhiều căng thẳng với các y bác sĩ.
Bác sĩ Lê Văn Hiền, Bệnh viện Hạnh Phúc, tiếp nhận thai phụ mang thai 23 tuần tuổi trong tình trạng vỡ ối. Người mẹ 33 tuổi hoảng loạn cầu cứu bác sĩ vì đã điều trị ở nơi khác, được khuyên chấm dứt thai kỳ.
"Chỉ định chấm dứt thai kỳ trong trường hợp thai 23 tuần, ối vỡ là không sai", bác sĩ Hiền phân tích. Y tế Việt Nam hiện chưa chăm sóc được thai nhi chào đời 23 tuần. Mỹ cũng khuyến cáo trên 24 tuần tuổi mới đầu tư chăm sóc vì nếu trẻ quá non tháng dù cứu sống cũng để lại nhiều di chứng về sau.
Mốc các bác sĩ nhi sơ sinh mong chờ để có thể nuôi bé là từ 28 tuần tuổi thai. "Ối đã vỡ rồi, nếu kéo dài đợi em bé trưởng thành thì nguy cơ gây nhiễm trùng nguy hiểm cho người mẹ, nhiễm trùng tử cung, phải cắt bỏ tử cung vĩnh viễn không thể có con", bác sĩ Hiền nói.
Bác sĩ Hiền kiểm tra kỹ sức khỏe của mẹ và bé, tư vấn những khó khăn, nguy cơ có thể xảy ra, cùng theo dõi sát với hy vọng kéo dài tuổi thai, trên tinh thần luôn ưu tiên tính mạng, tương lai sản khoa người mẹ. Thai phụ được các y bác sĩ theo dõi lượng nước ối, theo dõi dấu chứng nhiễm trùng mỗi ngày.
May mắn kéo dài đến tuần 26, người mẹ gần như không còn nước ối, chỉ số nhiễm trùng tăng, có thể gây nguy hiểm cả mẹ và bé. Các bác sĩ quyết định mổ sinh bé gái, cân nặng 800 gram.
Tiến sĩ Cam Ngọc Phượng, Trưởng khoa Nhi Sơ sinh và Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Hạnh Phúc, từ khi sản phụ nhập viện đã phối hợp hội chẩn lên kế hoạch điều trị. "Bác sĩ sản cố gắng kéo dài thêm ngày nào thì sẽ càng tốt cho em bé", bác sĩ Phượng nói.
Theo bác sĩ Phượng, trẻ sinh non dưới 32 tuần thường đối diện với ba nguy hiểm lúc chào đời là hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, suy hô hấp. Mỗi độ C thân nhiệt trẻ giảm làm tăng tỷ lệ tử vong thêm 28%. Trẻ hạ đường huyết sau sinh gây ảnh hưởng não, tế bào thần kinh. Trẻ sinh non không tạo được surfactant để giữ phế nang nở, gây xẹp phổi, khó thở, nếu không xử trí kịp thời có thể gây ảnh hưởng tính mạng, làm mắt bé bị xơ hóa võng mạc dẫn đến mù...
Với các trường hợp non tháng, ê kíp "giờ vàng" gồm hai bác sĩ nhi, một nữ hộ sinh, một điều dưỡng phối hợp thực hiện các công việc theo phân công từ trước cho trẻ trong 60 phút đầu đời.
Bé gái vừa chào đời, bác sĩ sơ sinh có mặt hỗ trợ áp lực dương liên tục giúp phổi bé không bị xẹp. Nữ hộ sinh tại phòng sinh chuẩn bị giường sưởi ấm với nhiệt độ 36,5 độ C, chuẩn bị túi nhựa giữ nhiệt để bọc em bé lúc vừa rời bụng mẹ.
Sau 10 phút ổn định, bé được chuyển về phòng hồi sức sơ sinh. Bác sĩ và điều dưỡng chuẩn bị sẵn dụng cụ đặt catheter vào tĩnh mạch rốn, thiết lập đường truyền tĩnh mạch để cung cấp dung dịch đường giúp bé không bị hạ đường huyết. Bé được bơm surfactant vào nội khí quản để ổn định hô hấp.
"Phác đồ giờ vàng giúp quá trình điều trị tiếp theo nhẹ nhàng, không xâm lấn, không can thiệp thủ thuật nhiều, bé giảm nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện, cải thiện dự hậu về sau", bác sĩ Phượng phân tích. Sau 50 ngày chăm sóc, bé gái tăng cân tốt, khám mắt, thần kinh cho kết quả bình thường. Bé được ngưng thở oxy sớm, dinh dưỡng qua đường tiêu hóa hoàn toàn chỉ sau 2 tuần.
Tháng 7/2018, bác sĩ Cam Ngọc Phượng sang Australia, chứng kiến quy trình chăm sóc trẻ sinh non khá nhẹ nhàng nhờ trẻ được can thiệp trong 60 phút đầu đời. Kết hợp các tài liệu trên thế giới, bác sĩ Phượng cùng đồng nghiệp lập phác đồ "giờ vàng", triển khai tại Bệnh viện Hạnh Phúc từ tháng 1/2019, áp dụng trên 32 trường hợp trẻ sinh non dưới 32 tuần cho kết quả rất tốt. |