Bé trai được đặt tên Bình An, là con của anh Phạm Văn Hà và chị Trần Thị Trang ở Hà Nội. Anh chị hiếm muộn, mong con suốt 6 năm ròng. Cuối năm 2019, chị Trang mang thai. Đến tuần thai thứ 27, chị Trang bất ngờ chuyển dạ, cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tối 22/5, chị sinh bé Bình An chỉ nặng 800 g.
Bé chào đời không khóc, không phản xạ, da tím, thể trạng rất yếu. Được cấp cứu ngay sau sinh, bé vẫn không tự thở, phải đặt nội khí quản bóp bóng. 5 ngày tiếp theo, bé liên tục phải thở máy, chiếu đèn điều trị chứng vàng da nặng. Sau đó, bé được truyền máu, truyền huyết tương, đổi kháng sinh, các chỉ số cơ thể tốt hơn nên được bác sĩ cho thở áp lực dương liên tục. Ba ngày sau, diễn biến sức khỏe của bé xấu đi, phải thở máy trở lại.
Bác sĩ liên tục chăm sóc tích cực cho bé, theo dõi sát sao đến ngày 26/6 sức khỏe mới cải thiện, cai máy thở một lần nữa. Song, 7 ngày sau bé bị khó thở nặng, lại thở máy.
Tới 11/7, bé Bình An mới có nhịp tự thở đầu tiên, tình trạng dần được cải thiện. Lúc này, bác sĩ đưa bé An tới gặp mẹ, thực hiện da kề da, ủ ấm Kangaroo.
Hiện nay, bé Bình An đã hoàn toàn khỏe mạnh, nặng 1,7 kg, xuất viện trong niềm hạnh phúc của gia đình. Trong thư cảm ơn gửi bệnh viện ngày 17/8, chị Trang viết: "Em sinh con lần một, các cô các bác hồi sinh và cho cháu sự sống lần hai. Ơn này gia đình cháu không bao giờ quên".
Bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết chăm sóc trẻ non tháng, nhẹ cân là thử thách đối với bác sĩ. Trẻ non tháng có hệ thống miễn dịch, các cơ quan chức năng trong cơ thể chưa hoàn thiện nên rất dễ nhiễm khuẩn. Sức chịu đựng của trẻ sinh non rất kém, khó đáp ứng thay đổi của môi trường, đòi hỏi phải chăm sóc trong điều kiện đặc biệt 24/24 giờ, kiểm soát nghiêm ngặt các chức năng hô hấp, tim mạch, tiêu hóa...
Những trẻ sinh cực non 7 tháng luôn được chăm sóc đặc biệt hơn nhóm trẻ sinh non khác vì không thể tự thở, tự ăn hoặc tự giữ ấm. Bệnh viện nuôi trẻ trong lồng ấp giúp duy trì thân nhiệt ổn định, theo dõi huyết áp, nhịp tim, hơi thở, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Trẻ được bổ sung dinh dưỡng bằng cách tiêm qua đường tĩnh mạch, thậm chí dùng máy hỗ trợ thở để duy trì sự sống...
Sau khi đảm bảo trẻ tự bú, tự thở, thích nghi được với môi trường, bác sĩ sẽ đưa trẻ về với gia đình. Gia đình cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn trong quá trình chăm sóc để trẻ phát triển bình thường, tránh tổn hại không đáng tới sức khỏe sau này ví dụ giảm sút trí tuệ hay chậm phát triển thể lực...
Theo bác sĩ Ánh, mẹ sinh non có thể do viêm nhiễm tiết niệu, viêm răng hay viêm âm đạo; cấu tạo cổ tử cung ngắn; hoặc bị stress trong cuộc sống... Một số trường hợp sinh non không rõ nguyên nhân. Sản phụ nên phòng tránh các nguyên nhân này và chọn lựa cơ sở chuyên khoa, uy tín để theo dõi quá trình thai nghén và chăm sóc đặc biệt cho trẻ nếu bị sinh non.
Chi Lê