Theo báo cáo công bố hồi đầu năm, nhóm nghiên cứu đã phát triển môi trường sinh quyển có khả năng tự cung tự cấp đến 97% thức ăn cho cho loài ốc sên châu Phi khổng lồ. Loài chân bụng này sẽ ăn rễ, vỏ cây hoặc các bộ phận khác của cây không phù hợp với con người. Điều này đồng nghĩa rằng các nhà du hành khám phá vũ trụ trong tương lai có thể sử dụng ốc sên làm nguồn cung cấp lương thực.
"Hai phần ba lượng protein một phi hành gia hấp thụ trong không gian nên có nguồn gốc từ động vật. Nhưng ở một nơi ngoài Trái Đất, không gian sẽ hạn chế và việc nuôi chúng là bất khả thi," RT hôm 11/7 dẫn lời Vladimir Kovalev, chuyên gia tại Viện Sinh học ở Krasnoyarsk.
Kovalev cùng đồng nghiệp đã thử ăn và cảm nhận nó có mùi vị chấp nhận được, hơi giống gan, dù không ngon như thịt.
"Theo ước tính, cần khoảng 700-800 con ốc sên cho một người. Trung bình mỗi người một ngày ăn khoảng 100-150 gram thịt ốc sên. Tuy nhiên, có thể ăn tối đa 0,5 kg ốc sên mà vẫn an toàn," Kovalev nói.
Ốc sên khổng lồ châu Phi (fulica achatina) là loài động vật thân mềm có nhiều thịt, có thể phát triển chiều dài 20 cm và không ngừng phát triển kích thước lớn hơn trong vòng đời hơn 10 năm. Ốc sên thường được coi là loài gây hại và lan truyền dịch bệnh. Tuy nhiên tại khu vực Đông Nam Á, chúng được đánh giá là một món ăn ngon, thậm chí còn trở thành vật nuôi.
Đầu những năm 90, giới khoa học từng thử nghiệm các loài ốc sên tương tự cho chương trình không gian, với các hành trình lên Trạm Vũ trụ Mir và sau đó là Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Trong thập kỷ qua, Nhật Bản cũng đề xuất ý kiến sử dụng côn trùng trong chế độ ăn của phi hành gia.
Thùy Linh