Xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp, ngay từ nhỏ anh Bình quen với các loài động vật hoang dã như rắn, ba ba. Những năm gần đây, anh thấy loài rắn hổ mang không còn nhiều trong tự nhiên nên nghĩ đến việc nhân nuôi. Năm 2015, sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu anh quyết định mua 70 rắn giống ở Vĩnh Long về nuôi thử nghiệm trong chuồng heo cũ rộng 30 m2.
Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm, những con rắn bỏ ăn rồi chết dần. Không bỏ cuộc, anh Bình cố gắng tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục. Chủ cơ sở bỏ ra hàng chục triệu đồng để xây chuồng nuôi rắn bài bản. Mỗi con được nuôi trong chuồng bề ngang 40 cm, sâu một mét. Cửa chuồng thiết kế lưới mắt nhỏ giúp không gian thoáng, bên trong đổ lớp đất kho dày khoảng 5 cm.
"Lớp đất này có tác dụng hút chất thải của rắn", anh Bình nói, cho biết người nuôi phải đầu tư nuôi riêng từng con, dù chi phí đầu tư mỗi chuồng nuôi trung bình 100.000-150.000 đồng, nhưng hiệu quả cao hơn so nuôi tập trung nhiều con trong một khu lớn.
Hai năm sau, đàn rắn ban đầu sinh sản, phát triển lên hơn 200 con. Chủ trang trại bắt đầu thu tỉa những con rắn lớn bán thịt. "Ban đầu tôi bán cho anh em, bạn bè thân thiết. Dần dần, mọi người truyền tai giới thiệu nên đã có nhiều nhà hàng, quán ăn tìm đến", anh Bình kể. Đến năm 2019, anh có trong tay hơn 1.000 con rắn bố mẹ, hàng nghìn rắn giống. Anh cho biết cố gắng tạo môi trường gần giống tự nhiên để đàn rắn sinh trưởng, ít dịch bệnh.
Lúc này, phong trào nuôi rắn hổ tại các tỉnh miền Tây phát triển mạnh. Tận dụng thời cơ, anh Bình xuất bán ra thị trường hàng nghìn con rắn giống với giá 100.000-150.000 đồng mỗi con.
Để nhân đàn, anh chọn cách tự phối giống chứ không mua từ bên ngoài vừa tiết kiệm chi phí, lại quản lý được chất lượng. Vào tháng 9, 10 âm lịch, khi thấy đàn rắn có dấu hiệu bỏ ăn, di chuyển nhiều, chủ trang trại cho phối giống. Sau khoảng 45 ngày, mỗi rắn cái đẻ 20-25 trứng. Ổ trứng được đem ấp ở khu riêng, khi nở lại tiếp tục được chuyển sang khu nuôi rắn con. Rắn nuôi chừng 5 tháng đạt 500-600 gram được đưa lên khu nuôi thương phẩm.
Cứ 3-4 tháng cơ sở của anh Bình bán khoảng một tấn rắn thịt cho các thương lái thu mua xuất đi Trung Quốc. Ngoài ra, mỗi tháng anh bán lẻ khoảng 200 kg rắn cho các nhà hàng, quán ăn ở địa phương và các tỉnh lân cận.
Theo anh Bình, rắn hổ mang là loài dễ nuôi, ít công chăm sóc. Cứ 5 ngày anh cho rắn ăn một lần bằng thịt vịt con hoặc bổ sung cá rô phi. Mỗi con rắn nặng 1,5-2 kg tốn 200-300 gram mồi ăn. Tuy nhiên, người nuôi cần chú ý bổ sung men tiêu hóa thường xuyên cho đàn rắn, tránh bệnh đường ruột.
"Loài rắn hổ có tập tính ăn vào buổi chiều, thích bóng tối nhưng phải khô thoáng", anh Bình nói, cho biết mỗi con rắn nuôi sau 12 tháng đạt trọng lượng từ 2,2-2,5 kg.
Hiện thương lái thu mua rắn loại một trọng lượng từ 1,6 kg trở lên với giá 600.000-650.000 đồng mỗi kg. Sau khi xuất bán rắn, anh sẽ vệ sinh hộc nuôi, thay lớp đất cũ. Mỗi năm, trang trại của anh Bình bán ra thị trường gần ba tấn rắn thịt, hàng nghìn rắn giống. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi gần một tỷ đồng.
"Nếu nắm vững kỹ thuật và có đầu ra tốt, người nuôi rắn hổ có thể thu lợi nhuận khoảng 50% doanh thu", anh Bình nói, cho biết đầu tư xây thêm chuồng nuôi rắn để phát triển đàn, bởi số lượng hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu đặt hàng. Anh đang có hơn 1.300 rắn bố mẹ và hơn 3.000 con rắn giống.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, trại rắn của anh Bình tuân thủ các quy định về chăn nuôi động vật hoang dã, an toàn và biệt lập. Đây là mô hình kinh tế hiệu quả của địa phương, đem thu nhập cao cho nông dân.
An Minh