Theo đại diện công ty Melchers, nhà phân phối hệ thống cấp thức ăn lỏng tự động của Tập đoàn Weda (Đức) tại Việt Nam, dịch bệnh là một trong những nỗi lo hàng đầu của các chủ chăn nuôi. Đây là nguyên nhân chính khiến họ sử dụng nhiều kháng sinh và hóa dược để trộn cùng các nguyên liệu thức ăn đầu vào khi sử dụng thức ăn dạng khô.
"Tuy nhiên, với công nghệ thức ăn lỏng, các chủ trang trại có thể giảm thiểu điều này nhờ các axit lactic được sản sinh trong quá trình lên men thức ăn, nhờ đó kiểm soát PH đường ruột ở mức 4 - 4,5. Trong điều kiện này, các vi khuẩn gây bệnh như Coliform, E.coli, Samonella,… được ức chế và loại bỏ, giúp hạn chế tiêu chảy, nhất là cho lợn sau cai sữa", vị đại diện này cho biết.
Đặc biệt, các chủ trang trại có thể vận hành dây chuyền chăn nuôi dễ dàng qua máy vi tính, không cần đến tận chuồng trại mà vẫn kiểm soát chi tiết khối lượng thức ăn, hàm lượng dinh dưỡng.
Thức ăn được bơm đi đúng giờ, đúng lượng và theo dõi được những trường hợp lợn bỏ ăn, thiếu ăn, cần thiết cho lợn mang thai hoặc chờ phối. Ngoài ra, các chủ trang trại cũng có thể yên tâm về vấn đề vệ sinh thức ăn nhờ có chức năng làm sạch đường ống, bồn trộn bằng dung dịch kiềm và đèn UV cường độ cao.
Bên cạnh đó, người đại diện của Melchers còn chia sẻ tỷ lệ tăng trọng trung bình hàng ngày (ADG) của những con lợn được nuôi với thức ăn lỏng lên men cao hơn so với lợn cho ăn thức ăn khô là 8,3 - 8,8 %. Đồng thời hiệu quả chuyển đổi thức ăn (FCR) cũng thấp hơn 11 - 19,5%. Hỗn hợp thức ăn dạng lỏng còn giúp lợn hấp thụ dễ hơn và chống mất nước vào mùa khô.
Theo ông, hiện nay, đến 60 - 70% các trang trại vừa và lớn tại Đức, Bỉ, Hà Lan, Pháp sử dụng công nghệ thức ăn hóa lỏng, đặc biệt là sau khi EU ban bố lệnh cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi vào năm 2006. Thức ăn dạng lỏng là loại chứa khoảng 20 - 30% nguyên liệu khô và nước. Điểm nổi bật của thức ăn dạng lỏng là người chăn nuôi có thể tận dụng thêm phụ phẩm như bã bia, bã đậu nành, bã sắn của các ngành công nghiệp chế biến khác. Nhờ việc sử dụng phụ phẩm giá thành rẻ này, các chủ trang trại vừa tiết kiệm tiền thức ăn đầu vào, vừa giảm được các chi phí phơi sấy, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Với ưu điểm chỉ cần sử dụng khoảng 8 - 10 nhân công vận hành đối với quy mô từ 1.000 đến 5.000 lợn nái, lãnh đạo công ty cho biết, giải pháp mới này là lựa chọn tốt trong điều kiện chi phí lao động tại Việt Nam ngày càng tăng và khan hiếm vào các đợt giáp Tết.
Mai Thương
WEDA là thương hiệu cung cấp sản phẩm hệ thống cấp thức ăn tự động dạng lỏng hàng đầu của Đức. Tại Việt Nam, công ty Melchers (Đức) đang là nhà phân phối độc quyền sản phẩm này trên thị trường. Sản phẩm có nhiều kích thước, phù hợp với từng quy mô trang trại khác nhau từ 150 lợn nái trở lên. Các chủ trang trại sẽ được chuyên gia trực tiếp hướng dẫn lắp đặt và vận hành trong vòng 3 ngày. Sản phẩm bảo hành 12 tháng, bảo trì 6 tháng một lần.