Trong các nguồn tham khảo, bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) hàng năm của tổ chức WIPO là một thứ đáng để chờ đợi. Báo cáo GII 2022 công bố đầu tháng 10 cho thấy, Việt Nam được xếp hạng 48/132 quốc gia, nền kinh tế. Mặc dù giảm bốn bậc so với 2021, Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ ba tại khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (hạng 7) và Thái Lan (43).
Chỉ số phát triển ứng dụng điện thoại (mobile app creation) là một trong những thế mạnh của Việt Nam với xếp hạng 8/132. Tuy nhiên, trong nhóm chỉ số về thể chế, điểm trung bình của môi trường pháp lý ở Việt Nam là 54,6 - xếp hạng 96/132.
Đánh giá này phần nào có thể nhìn thấy trong bức tranh về hoạt động của các ứng dụng Fintech tại Việt Nam. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đưa ra cảnh báo rằng các nhà đầu tư cần thận trọng khi thực hiện giao dịch đầu tư qua các ứng dụng điện thoại, vì những nơi này có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép.
Lan gửi cho tôi cảnh báo này của UBCKNN và chia sẻ thêm rằng "may quá, em đã kịp rút tiền ra". Mất nửa tháng sau khi đặt lệnh rút, tài khoản của Lan mới nhận lại được số tiền ít hơn cả số đầu tư ban đầu (do mất phí rút), nhưng Lan có vẻ thở phào khi kể chuyện với tôi.
Lan là một nhân viên văn phòng, thỉnh thoảng nhận được khoản phúc lợi nho nhỏ của công ty vào dịp này dịp nọ nên em muốn tích lũy lại. Em nghĩ mình đã tìm được kênh đầu tư phù hợp khi tình cờ bắt gặp quảng cáo về một ứng dụng đầu tư tài chính. Trong quá trình "nuôi heo" trên mạng, dù được app thông tin liên tục và rõ ràng về khoản đầu tư của mình, Lan luôn có một nỗi bất an. Em nói với tôi: "Họ như kẻ nắm đằng chuôi, đòi em cung cấp hết thông tin cá nhân thông qua CMND. Còn em, em không biết mình đang gửi tiền cho ai cả, không có ai làm chứng. Lỡ một ngày xấu trời nào đó, app không truy cập được nữa, em biết đi đâu đòi tiền".
Hàng triệu người như Lan đang nạp tiền vào các sản phẩm tích lũy của nhiều ứng dụng như Finhay, MoMo, ZaloPay, Infina... Hình thức đầu tư này có nhiều ưu điểm, thu hút các nhà đầu tư nhỏ, như: tiện lợi, dễ sử dụng; lãi suất cam kết định kỳ hấp dẫn hơn so với gửi ngân hàng và có thể bắt đầu bằng những khoản tiền rất nhỏ. Nhưng với hiện trạng hoạt động hiện nay, nếu có rủi ro gì liên quan đến tranh chấp hoặc trách nhiệm giải ngân của ứng dụng tài chính, nhà đầu tư sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Vì thế, băn khoăn của Lan là có cơ sở. Và với vai trò, chức năng của mình, cảnh báo của UBCKNN cũng rất hợp lý, trong bối cảnh các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư gần đây.
Tuy vậy, khi đặt vấn đề trở lại là làm thế nào để có được giấy phép, để hoạt động trong khuôn khổ pháp luật cho những mô hình như thế này thì câu trả lời là vô định. Vì đến nay, một sandbox là dự thảo Nghị định về Fintech vẫn đang trên bàn làm việc và chưa biết khi nào sẽ được ban hành.
Nhu cầu tích lũy, đầu tư từ những khoản tiền vụn vặt, nhỏ lẻ là có thực và không hề ít trong dân chúng. Ngay cả ở nhiều nước phát triển, mô hình tiết kiệm làm tròn số tiền chi tiêu để từ đó tạo thành khoản tích lũy cũng nở rộ nhiều năm nay. Ví dụ một người đi uống café, giá thanh toán là 4,5 USD thì sẽ được làm tròn thành 5 USD, còn 0,5 USD tự động chuyển vào một tài khoản đầu tư.
Cùng với đó là mô hình chia nhỏ tài sản đầu tư, hay còn gọi là fraction. Nhà đầu tư với 1 USD có thể mua 1% của một cổ phiếu đang có giá thị trường là 100. Và với 10 USD, họ sẽ mua được 10 cổ phiếu khác nhau, để đầu tư với số tiền nhỏ và có thể đa dạng hóa danh mục nhằm giảm thiểu rủi ro. Đây cũng là một cách giáo dục hay về tiền và đầu tư mà nhiều phụ huynh áp dụng với con cái.
Vì chưa có khung pháp lý rõ ràng cho các mô hình Fintech nên sẽ khó để phân biệt được ứng dụng nào thực lòng muốn phát triển thị trường và ứng dụng nào có ý đồ xấu. Bên cạnh đó, hoạt động trong vùng xám nên các bên cung cấp dịch vụ sẽ không biết trách nhiệm bắt buộc của mình là gì, hoặc cố tình làm ngơ.
Chẳng hạn, một trách nhiệm quan trọng của bên cung cấp dịch vụ là phải cảnh báo rủi ro cùng với những lợi ích có thể đạt được từ việc tham gia tích lũy đầu tư, minh bạch điều khoản của hợp đồng, điều kiện sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, cần thông tin cho người dùng biết mình chỉ là nền tảng trung gian kết nối như ứng dụng taxi công nghệ, hay mình là nơi quản lý tài sản của khách hàng.
Một điều cũng quan trọng không kém là hiểu biết về các sản phẩm đầu tư của người tiêu dùng. Khi hỏi Lan kỹ hơn về cách em tích lũy tiền qua app, tôi mới vỡ lẽ ra, Lan chưa hiểu chính sản phẩm mà mình sử dụng. Hóa ra em chỉ bỏ một số tiền nhỏ vào đó và cứ để vậy cho đến lúc rút ra. Trong khi mục đích của các sản phẩm dịch vụ dạng này là để tích lũy những khoản tiết kiệm nhỏ nhưng đều đặn. Sau một thời gian đạt đến một mức giá trị nào đó thì nên chuyển sang một hình thức tiết kiệm hay đầu tư khác.
Trên thị trường tài chính, các sản phẩm tiết kiệm và đầu tư rất đa dạng, đáp ứng cho nhiều nhu cầu và đặc điểm của nhà đầu tư khác nhau. Người tiêu dùng dịch vụ tài chính với rào cản bất cân xứng thông tin cần được bảo vệ nhiều hơn thông qua các quy định rõ ràng chặt chẽ của pháp luật, đặc biệt là trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ, các bên trung gian.
Nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là có thật trong Fintech, và các mô hình mới cần được thử nghiệm thay vì lo sợ rủi ro mà trì hoãn.
Giới chuyên môn và các nhà chính sách cũng đã nói nhiều và nói từ lâu về cơ chế thử nghiệm cho Fintech. Thay vì thỉnh thoảng lại cảnh báo, dẫn đến nhờn cảnh báo, một khung pháp lý để giám sát chặt chẽ sản phẩm và loạt hình hoạt động này mới là trách nhiệm chính cần thực thi của cơ quan quản lý nhà nước.
Võ Đình Trí